Thứ Hai, 1 tháng 2, 2016

THƠ NGUYỄN HÀN CHUNG THỜI GIAN GẦN ĐÂY


Các nhà văn Lê Trâm, Tiêu Đình, Nguyễn Mậu Hùng Kiệt, các nhà thơ Phan Chín, Nguyễn Hải Triều, Đỗ Thượng Thế ở Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Nam có dịp bảo, nhà thơ Nguyễn Hàn Chung kể từ ngày ly quê, đặc biệt những bài thơ anh viết thời gian gần đây có gì đó ‘lạ” lắm, ai đó trong chúng ta “thử mổ xẻ” xem sao ? Xét mình cũng đa đoan, tò mò tọc mạch, có nhận được một số bài thơ anh gửi tặng, nên tôi cũng muốn “thử bút”, “ thử bình”, “thử vạch” ra một vài điều gì đó trong thơ Nguyễn Hàn Chung, như một lời cảm tạ cho những ngày cùng nhau bên “ chén rượu bình trà”.

Thực ra tôi đã đọc thơ Nguyễn Hàn Chung rất nhiều, và luôn luôn dõi theo những bước chân thơ của anh xem như một tri âm. Từ những tập
in chung hoa  ven sông (1984), cánh cửa mở (1987), tuyển thơ Quảng Nam (1998), đến tập đầu tay tìm tôi trong bóng, nxb Đà Nẵng 1999,   và tập nói hộ phù du, nxb Đà Nẵng 2002, tôi cũng đã có những bài viết, những nhận định cụ thể ở nhiều khía cạnh, có thể “xác đáng” hoặc “ chưa xác đáng” về thơ anh. Theo thiển ý của tôi, thơ Nguyễn Hàn Chung có vẻ sắc sảo, lém lỉnh, ma quái của ngôn từ; cái vẻ đắc địa, trù mật của các hình tượng; rắn chắc, đầy đặn của ý tứ. Phải chăng, bởi anh là nhà thơ, nhưng cũng viết đều tay những bài bình, những bài giới thiệu sâu sắc, có những phát hiện mới mẻ, lý thú, truyện ngắn anh viết cũng kỳ khu, có nghiên cứu và trăn trở ( tuy vậy, dường như chưa thành công, không phù hợp với tuy duy của anh, đã làm anh đôi lần thất vọng ?). Xét về nghề nghiệp, Nguyễn Hàn Chung là nhà giáo giảng dạy văn chương, có sức đọc rộng và sâu, có tiềm lực thẩm thấu về văn chương. Nói lan man dài dòng như thế để thấy rằng, Nguyễn Hàn Chung là cây bút đầy khát vọng và đam mê văn chương, luôn nổ lực và có ý hướng làm mới mình. Riêng tôi có cảm nhận thơ ca của anh đã có độ chín nhất định, đã được nung nấu và tinh lọc. Thử xem anh “nghịch ngợm”, cố tình tạo ra cái kỳ ảo của ngôn từ và ý tưởng tốt đẹp như thế nào

Ngày quê nhà đùm túm tiếng tre reo
Cày cục đến chai sần cơn bếp núc
Còn một khắc chẳng cam buồn đắm ngực
Lao nếp nhăn theo gom góp bụi đường
        
Màu mưa nào không trắng xoá hà phương ?
Em ở lại chiều anh không hẹn thuở
Anh thức hết những bọt bèo rơm rạ
Tiếng chuông câm rưng rức buổi xa người

Nhỏ chăn đồng cuối tóc phải chăn côi
Ngoai ngoái lại mồ cha xanh nếp trán
Nâng chai cạn mà không đành dốc cạn
Giọt rơi tràn con mắt nhướng sa mi

Tuổi lăn tròn đời bể nửa viên bi
Những cạnh sắc cứa vào đâu cũng xóc
Thôi thì cố níu trái tim thất lạc
Nếu một mai nó cứng cựa chai lì
              ( À ơi điệu cũ).
Khi Nguyễn Hàn Chung còn ở quê nhà, vài anh em văn nghệ “ rỉ tai nhau, và vài anh em “ thẳng thừng” bảo: ở đất Điện Bàn, đại diện thơ mới là nhà thơ Nguyễn Minh Hùng, đại diện cho thơ truyền thống là nhà thơ Nguyễn Hàn Chung. Điều ấy anh cũng đã biết, có làm anh “mắc lòng” hoặc “ vui vẻ” gì không ? Thời ấy tôi cũng ít chú ý và không biết được. Tuy nhiên, xét rộng ra, cụ thể hơn thì những nhận định ấy nhiều phần sai lệch, chủ quan. Phần chủ quan đầu tiên, dễ dàng nhận thấy, đó là Nhà Thơ Nguyễn Hàn Chung luôn luôn ý thức sự sáng tạo, đổi mới thơ mình cả cách viết ( hình thức thơ, thi pháp thơ...),cả đề tài phản ánh ( nội dung thơ, tư tưởng thơ...). Và ý thức ấy nó lồ lộ ra đến mức anh luôn “ to tiếng”, “dõng dạc” mỗi khi đọc thơ, những nhận định, đánh giá về thơ của anh chân thành, rõ ràng có lúc làm cho đối tượng “xấu hổ”. Anh ủng hộ và rất yêu quí những giọng thơ trẻ, những cây bút trẻ. Do vậy, mặc dầu anh đang ở xa quê nhưng rất nhiều người vẫn trông ngóng tin tức về anh và theo dõi, đọc thơ anh. Những năm xa quê, thơ anh đượm buồn và có chất kỳ hồ hơn. Ở đấy chất chứa câu chữ lóng lánh kỷ niệm, vẻ đẹp u hoài vè quê hương và bè bạn, những khúc “ độc tấu” về nỗi cô đơn và công việc, về những giá băng lạnh nhạt của con người và con người ở cái xã hội quá thừa thải vật chất
Sâu màu mắt làn quê không cửa
Nhớ mưa nghe rớt giọng ru khàn
Biệt là gió căng buồm níu trĩu
Em vòng thon eo ếch thương khan


Từng yêu ấp từng mê man tở mở
Từng vo ta trong cam khó thủ thường
Mòn con mắt quấn câu vào chữ rối
Phiếu thăm dò chật cứng váy mơ em

Thì cứ tống cứ tan ngần ấy tuổi
Biết cùng ai chia sớt chuyện buông tuồng
Chiều tới sáng lục tìm mưa cắm cúi
Ngón với bàn ngong ngóng đến thê lương

Gần rất lạ xa tới tầm tay với
Sợi mong manh riết róng cột âm thầm
Lầu cây khế leo tấm thân chùm gửi
Nhướng lên mù thấy rõ  một xa xăm

Vẫn mụ mị lùng bùng  cơn cớ trước
Và ngơ ngơ ngác ngác những phương chiều
Mùa không hắt tia nắng vàng ,vô phước
Kẻ điêu nào còn léo hánh cô liêu

                   ( Bài Tha phương không tám)

Nếu xét thơ của một số nhà thơ Quảng Nam gần gũi với anh, thì thơ với ngôi đền thơ của Nhà thơ Nguyễn Minh Hùng là cái đẹp, vẻ trí tuệ phản ánh vào nội dung- cái được phản ánh, là sự chắc lọc từ ngữ, là sự gắn bó hữu cơ của từ ngữ và giai điệu của thời hiện tại, là hình tượng thơ tráng ca. Thử lấy bài Ánh Trăng sau đây làm một minh chứng

Xin những lỗi thề cùng về hối tiếc dưới trăng
chiếc thuyền mở trộm trên dòng sông đêm ấy
ánh trăng cùng chúng mình
trôi...

Xin những ban trưa cùng về tạ lỗi với trăng
dịu êm xa rồi trước mắt là dốc nắng
bước chân vội vàng không gian thưa vắng
chiều, chiều rồi, trăng một cánh chim đi

Xin những mộng tưởng đầy chưa dừng chân tìm lại cố hương
nơi giấc mơ đầu tiên có thiệt
nơi cắt rốn chôn nhau một tình yêu đúng giờ trăng mọc
vượt qua những bụi cỏ gai rơm rớm con đường

Xin những cát bụi bay đi trả lại vẹn nguyên từng vạt sương đêm
để ánh trăng yên  tâm ngả mình trên cỏ ướt
để còn mãi đợi chờ tin yêu phía trước
ngày anh trở về anh
em trở về em

Rồi xin những đêm về, đêm ơi, đừng nhủ hết
trăng sẽ lặn ngay
                   trước mỗi giấc vô tình.
                             ( Ánh Trăng)
Bài thơ có nhiều khoảng lặng, có những nỗi đau thương, thất vọng được che giấu thật khéo léo, kín đáo, những tia hy vọng, những hình ảnh đẹp đan xen với những mất mát và kỷ niệm. Đó là một bài thơ hay và buồn.
Thơ với ngôi đền thơ của nhà thơ Phùng Tấn Đông là nét tài hoa của giai điệu, chữ nối chữ , chữ liên kết chữ như sóng vỗ miên man, mênh mông, ngôn ngữ có sắc thái biểu cảm của cái đẹp và tình yêu, của mềm mại và sinh động, mang nặng hơi thở thơ văn xuôi biền ngẫu, đầy đặn và hiện đại. Anh có bài viết về Thu Bồn rất hay, ấn tượng và đặt trưng.

Sông đã chảy những róc rách đời đời mồ côi cõi đất đá đỉnh núi thiêng Ngọc Linh ra Cửa Đợi
chảy lấp lóa lưng trần gai xước nước mắt tổ tiên thời qua sông vỡ đất gieo mầm
chảy nheo nhóc tiếng gà thung xa khép một trời sao lưu lạc
chảy nghèn nghẹn điệu tù và sừng trâu đoàn người sững lại nhớ cố hương

Thu Bồn ơi
tôi đã gặp những người già suốt một đời chưa kịp lên bờ
những cánh buồm rã mục đắp mùa đông bãi sú
mùa mưa bão chim bầy giạt hết về bên kia núi
những chiếc ghe bầu không sinh nở nằm úp mặt chờ sông
chảy đằng đẳng thời gian sáng sáng mưa bom chiều chiều ly tán
chảy thản nhiên xanh mặc phía lở bên bồi
trôi cả tuổi thơ tôi lá mục cành khô những hạt sầu đông đắng
trôi cả dáng em thon thả  non mềm lá cỏ bờ sông
con dế gáy giọng buồn nhớ mùa dâu xanh mướt
cũng chính là em đã phả vào tôi mùi da thịt dậy thì ngào ngạt suốt đời trăng

                             (Riêng với Thu Bồn)
Bài thơ chạm vào được bản thể của cuộc đời, bật lên thân phận của cai một, cái cá nhân hòa quyện bền chặt với tất cả, với mọi người.Những hình ảnh và ngôn ngữ có chút điệu đàng, nhưng đẹp một cách không thể nào chối bỏ. một bài thơ đi được với thời gian khó tính khô khốc. Còn thơ Nguyễn Hàn Chung trước đây ngôn ngữ cầu kỳ, khô khan, nhưng giờ hóm và nghịch ( đùa). Anh rất khác biệt với hai nhà thơ trên. Điều ấy thật đáng quí. Thơ anh có ấn tượng về chất điền dã, về những chiêm nghiệm có tính “mỉa” và sâu. Không phải tự dưng mà có một dạo Điện Bàn có một “ trào lưu thơ Nguyễn Hàn Chung”. Điều ấy chứng tỏ thơ anh đã có những ám ảnh nhất định với bạn đọc.
Giờ thì đã “nhạt” rồi, người ta lại trân trọng anh ở sự mới mẻ, đa dạng các đề tài, ở cách biểu đạt uyển chuyển, suy tư đấy nhưng cũng dạt dào cảm xúc, ngoài tính hàm súc ra, câu thơ còn gợi bao điều

Tất nhiên  không bao giờ em muốn  
làm một người đàn bà đầu xuân
còn khoác chiếc áo tàn đông ủ rũ
 ngồi bó gối dưới hiên mưa
chỉ vì em khát nhìn giọt rơi từ mắt người đàn ông 
 lấy hân hoan trong cơn túng quẫn 
làm quà tặng ngày sinh em

người xưa phán định những cấm kỵ đàn bà đàn ông
bằng sự nhân danh quyền phép
thử hỏi có ai dám bò qua mép vực
thả thời gian xuống hố thẳm dò thử nông sâu?

cứ bàn tán hoài ích gì
ngày cứ lên,sông cứ chảy ,chim cứ hót
 hoa tàn ,trái rụng, chồi xanh
già úa héo tàn tro ,trai trẻ phổng phao
niềm tin cũ  bào mòn  thơ ngây niềm tin mới

                                 (Bản gốc)
Thơ là cái đặc dị, huyền ảo của tâm hồn. Và nếu không ngoa, tôi vẫn cho rằng, thơ cũng là cái đặc dị, huyền ảo của trời đất. Khi bài thơ đã được viết ra đến chữ cuối cùng, thì nó không còn là của riêng ai, và bài thơ ấy sẽ được kéo dài mãi mãi-nghĩa là nó được độc giả các thời đại khác nhau sẽ viết thêm lên, được bổ sung, được khám phá ở nhiều khía cạnh và mãi mãi. Bài thơ hay sẽ không có tuổi ( tuổi sống lẫn tuổi thọ). R Tagore viết rằng : “ thế gian này tôi hiểu chẳng bao nhiêu/ những hành động của con người/ những dòng sông, thành phố/ những núi non, hoang mạc/ những muông thú không quen/ cây cỏ lạ lùng/ trời đất bao la/tôi chỉ biết xó nhà/ đầy thất vọng tôi du hành ánh mắt/ và tôi đi nhặt/ những thấp thoáng ngôn từ/ những bức tranh rơi rớt/ mà chất đầy những phía hư vô/ của niềm kinh nghiệm/ có một nhà thơ của trái đất/ đó là tôi/ những điệu ly tao của đất/ vọng vào ống sáo tôi chơi/những gì trái đất gọi/ tôi đêm giấc mộng đáp lời/ trong những giờ im lặng/ của trái tim mình/tôi đã nghe ra khúc Đại Hòa âm”( nhà thơ của trái đất-Nhật Chiêu dịch). R. Tagore ca ngợi thơ ca, sự tự do, sự sáng tạo, niềm yêu cuộc sống kinh ngạc đã giúp cho con người vượt qua tù ngục của cô đơn, nỗi sợ hãi cái chết và tìm thấy ánh sáng của cuộc sống, thấy được chân lý vĩnh hằng. Tôi rất tin tưởng điều huyền diệu ấy. Và tôi hy vọng, nhà thơ Nguyễn Hàn Chung với khát vọng bền bỉ, với đam mê và tình yêu thơ ca mãnh liệt, sẽ viết tiếp nhiều bài thơ hay, tạo những cơn phấn chấn khác như ngọn núi lửa phun trào. Đó là niềm vinh quang ( lặng lẽ cô đơn) của cái chết- nghĩa là chết đi những cái cũ kỹ, bạc thếch mới sống lại những cái mới mẻ, hiện đại. Như mọi lần, để kết thúc bài viết nhiều phần chủ quan này, xin cho tôi gửi vài lời thơ như một lời cảm ơn với bạn  đọc

Chót vót trời cao cái nắng tháng năm đổ xuống chảo nước nóng
Trong hồ cạn nước bầy cá ôm nhau thở những hơi cuối cùng
Mùi bùn nồng nặc hâm hấp tử khí
Tôi rụt cổ vào căn nhà vách đá đọc vài trang báo nhảm nhí cô đơn

Cả gió với những đôi tay dài ngoẳng đôi cánh to bè
Thổi bốc ném tung tóe cát bụi vào khu vườn mẹ tôi
Khu vườn vẫn duỗi mình thiêm thiếp
Đâu còn gì mà mong mùa ổi thơm những quả chín vàng tươi

Mồ hôi nhễ nhại trên lưng ba tôi trên má ba tôi những đường cày
Ông bập thuốc dưới một gốc dừa già có tí bóng râm chẳng nghĩ ngợi điều gì
Rồi ông ngủ bên con chó Bê Tô thè chiếc lưỡi dài khô hớp từng hớp hơi nước
Con trâu trong chuồng góc vườn  đôi mắt hiu hắt lim dim mơ về tháng ba rơm rạ xanh mát đầy đồng

Chợt mẹ tôi ra sân vườn, đôi chút âu lo
Những chậu xương rồng nhọn sắc đâm vào đôi bàn tay mẹ  đâm vào ánh nắng chói chang

Những chậu xương rồng xanh ngắt lá cây đỉnh núi
Quệt vào đôi mắt mẹ  nức nở tuổi mười lăm

Mẹ tôi mỉm cười
Hoa xương rồng
Đã nở
Lần đầu tiên

(Hoa xương rồng tháng năm).

Bài viết của Huỳnh Minh Tâm
GV trường THPT Huỳnh Ngọc Huệ, Đại Lộc, Quảng Nam

a rơm rạ xanh mát đầy đồng


Chợt mẹ tôi ra sân vườn, đôi chút âu lo
Những chậu xương rồng nhọn sắc đâm vào đôi bàn tay mẹ  đâm vào ánh nắng chói chang

Những chậu xương rồng xanh ngắt lá cây đỉnh núi
Quệt vào đôi mắt mẹ  nức nở tuổi mười lăm

Mẹ tôi mỉm cười
Hoa xương rồng
Đã nở
Lần đầu tiên

(Hoa xương rồng tháng năm).

Bài viết của Huỳnh Minh Tâm
GV trường THPT Huỳnh Ngọc Huệ, Đại Lộc, Quảng Nam


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét