Thứ Năm, 4 tháng 2, 2016

ĐỌC NẮM NÍU

           Bài viết của Huỳnh Minh Tâm
GV trường THPT Huỳnh Ngọc Huệ, Đại Lộc, Quảng Nam.
ĐT 0510 3865898

(nhân đọc tập thơ nắm níu của Nguyễn Đức Dũng, nxb Thanh Niên 2010)

Ở tập thơ đầu tay “Đốt giấy cho sông” đã rất chi là trầm phù hư ảo ngữ nghĩa, thế rồi tập “ nắm níu’ vừa ra mắt độc giả cuối năm 2010, thật lòng Nhà thơ Nguyễn Đức Dũng đã làm cho tôi “hụt hơi” tra từ điển, và “ nắm níu” không hề thấy. Chỉ  thấy “ nắm” là giữ chặt... và “ níu” là nắm lấy, giữ chặt...Tôi nghĩ : “ tên” này chơi kiểu gì đây ? Không gì hơn, đọc tập thơ để tìm ngữ nghĩa

                   “ Anh mang cho em đôi bàn tay vẹn nguyên
                             mười ngón vụng về mở ngửa
                   mang cho em cuộc đời anh thấm đẫm gió và sương
                   về gội lại mái xưa bềnh bồng bờ vai giờ thưa
                                      gầy tóc tuổi
                   sau một thời trẻ trai mê mệt những con đường
                   ôi những con đường nắm níu tháng năm
                                                            tình yêu và sức vóc
                   hiếu kỳ giấc mơ hoa trái sắc màu
                    anh đã đi đã yêu và đã khóc
                   mà con đường mê hoặc vẫn còn đau”
                                                 ( Hành trình)

Vậy ra “ nắm níu”  phải chăng là níu giữ, là tiếc nuối, “ là tiếc rẻ nên thành ngơ ngác’ những kỷ niệm đẹp, những giấc mộng ban đầu với tuổi xuân dần ra đi, mang đi cánh bướm và những câu thơ học trò non dại ? Thật ra, nói thế cũng chỉ  một cách liên tưởng có phần thô thiển, giễu cợt. Đọc “ nắm níu”, ta còn gặp những phần tâm hồn ray rứt, đau đớn, bất an của tác giả tưởng chừng còn lặng khuất ở đâu đó trong mỗi ngày ồn ào của cuộc sống. “ Nắm níu” lưu giữ bao nhiêu ký ức, là độc ẩm, là đối ẩm trong mê cung bừa bộn, ngơ ngẩn của lòng người. Đọc tập thơ bạn đọc dễ dàng nhận ra Nguyễn Đức Dũng là nhà thơ đa đoan, đa tài thật. Bao nhiêu là chuyện đời, chuyện người, chuyện gần giũ, chuyện xa xôi, chuyện tình yêu, chuyện ngang trái, chuyện gặp gỡ, chuyện ly biệt...nó cứ “ ám’ và ám ảnh vào người của anh.

                   “ Xin mở lòng như Phật nghe em
                      Vì thương ai nỡ để nhau buồn
                   Bởi chưng còn ở trong trời đất
                   Ta,
                         Thằng gàn dở Bốn-ngăn-tim”
                                      ( bài thơ gởi vợ)
Quả thật, người viết bài giới thiệu đây không hiểu Ba, Bốn –ngăn tim gì, chỉ giật mình thảng thốt những câu thơ buồn, “ ám” vào con người “ dở’ hơi ngơ ngác. Nguyễn Đức Dũng có những câu thơ riết róng, xát muối, đớn đau, u ẩn, lạ hoắc như vậy. Tôi có cảm nhận, khát vọng của nhà thơ không chỉ đứng cả hai chân như trời trồng, mà còn bấu víu cả hai tay và hòa trộn cả máu xương não tủy của con người nhà thơ vào vùng đất Quảng Nam đầy nghiệt ngã chống chọi với thiên nhiên và cuộc sống.  Bởi thế, ngoài ngôn ngữ “ chân quê”, giàu chất liệu hình ảnh làng xóm, quê hương, thơ Dũng còn quẫy đạp để phá vỡ những “ bức tường” nào đó con ẩn nấp trong tiềm thức, hoặc “ cái đuôi di truyền” còn sót lại.

                   “ Ta mừng nhau thêm một tuổi trời
                   thêm một trần gian
                   nắng mưa tùy tiện
                   thu hoạch từ lòng tận hiến
                   thì kể chi trượt giá thế nhân này
                   mỗi sớm qua đi
                   quý hiếm một ngày
                   hạnh phúc cháy ngầm tàn tro âm ỉ
                   đã hết xanh để lừa lửa củi
                   tự ngún ngoài hơ háp vào trong”
                                      ( Tự ngún)

Không như tập đầu “ đốt giấy cho sông”- đề tài mẹ, cha, quê và chất giọng lục bát hay lặp làm bạn đọc dễ nhàm và tiếc, ở tập này Nguyễn Đức Dũng đã “ biết” chăm chuốt, cẩn trọng hơn trong việc chọn bài, đề tài, cách sắp xếp chúng để giới thiệu với bạn đọc. Lục bát của Dũng cũng nhuần nhị hơn, cao sang hơn. Đọc lục bát của anh, ta không gặp chất hóm hỉnh, thanh thoát như Nguyễn Tấn sĩ ( Ông Thanh Tịnh tóc bạc phơ/ ông cầm tay dắt tuổi thơ đến trường/ để mùa thu với mù sương/ trăm năm như thể tơ vương vấn người/ mùa thu tôi biết ông cười/ nghe con trẻ hát gọi trời thu xanh, ở bài thơ “ nhớ mùa thu Thanh Tịnh”), cũng không gặp chất nghịch ngợm, trào lộng của Nguyễn Hàn Chung ( tóc ơi này sợi tóc ơi/ tìm nhau chi đến rối bời chiêm bao/ tay vùi trong tóc lao xao/ lạnh lan từ kẽ tay vào lòng ta/ thẫn thờ ngồi gỡ tóc ra/ sợi thanh xuân rụng sợi tà huy bay/ cỏn con còn sợi tóc này/mà mong giăng tới cao dày tóc ơi, ở bài thơ “ sợi tóc”). Lục bát của Nguyễn Đức Dũng đau đáu chất kỳ hồ và thân phận, kỳ khu và nghiệt ngã.

                   “ Chén tàn rót buổi nghinh xuân
                   Nghe say từ độ phù vân kiếp mình
                   Hai tay nâng cả tâm thành
                             Chênh chao riêng mỗi cái hình trong ly
                             Bóng ngày như giục xuân đi
                   Vàng hoa cúc lẫy cũng vì ta, thu
                   Một thân làm cả tạc thù
                   Thơ ngâm ngất ngưởng
                                                          gật gù...
                                                                   rồi xuân”
                                      ( Độc ẩm)
Ở tập “ nắm níu” này đã ghi nhận những thay đổi cách ngắt nhịp, cách dẫn dụ , triển khai các ý tưởng ở lục bát, và anh đã thành công, như “ Tiệc”, “ chạm”, “ khát”, thì thơ “ tự do”, anh cũng đã có biến chuyển và ấn tượng, như “ tự hát, hành trình, tượng”. Có lẽ tôi thích nhất là bài “ anh đeo tay như chiếc đồng hồ”

                   “ bạn bè anh toàn những đứa ầu ơ
                   đi trước ngồi sau lận lưng khí khái
                   như nhiên gõ đũa hát tràn :
-         Thiên sinh ngô tất hữu...”
                    trời mưa riêng chỗ dây phơi !
Những câu thơ thật tự nhiên như nhiên, có khẩu khí và thân phận. khế hợp chăng, có lần cố trung niên thi sĩ Bùi Giáng đã viết : “  hai nếp cũng dzô một xôi/  hai xôi cũng roa một nếp/ trẻ khôn quoa, già lú lại/ giòa khôn lại, trẻ lú quoa/ mẹ ôi ! con của mẹ hư rồi/ con ôi ! mẹ cũng hư rồi như con/ hư rồi mà vẫ thong dong/ hỏng rồi” (Quoảng Nôm bình dân ngôn ngữ, trong tập thơ Mùa màng tháng tư, di cảo của Bùi Giáng, nxb văn nghệ 2006).

Có lẽ bạn đọc sẽ không ưng ý về dùng từ còn cũ quá chăng, thể hiện nỗi cô đơn và trái khoáy của cuộc đời cũng chẳng có gì gọi là mới, chưa có những khúc ca tráng lệ, hoành tráng, dẫn đạo, chất “ ngang tàng”, kỳ hồ thì đầy rẫy ở thơ Việt Nam những thập niên 60, 70 của thế kỷ trước,  phương ngữ dày quá chăng ? ( dẫu biết rằng đây cũng là dụng ý của tác giả), tuy nhiên, “ nắm níu”, một lần nữa, khẳng định Nguyễn Đức Dũng là một trong những nhà thơ Quảng Nam đã thành công và có tiềm lực, và rất “ máu lửa” với thơ ca.
Cho tôi xin lặp lại, và tôi vẫn nghĩ rằng, những điều tôi nói sau đây là không thừa, rằng, những nhận định trên đây chỉ là riêng cá nhân tôi, và tôi hết sức cố gắng tìm ra một “ tri âm” , cho dù rất ít ỏi ở các tác phẩm của bè bạn. Để kết thúc bài viết, xin cho tôi bày tỏ vài lời sau như một tri ngộ
BÀI THƠ TÌNH YÊU THÁNG MƯỜI MỘT

bài thơ tình yêu tháng mười một
thơm như gió mướp chuẩn bị ngày vui
lưu luyến gì em ơi
con sông mùa đông tràn bờ nức nở mùa ly biệt

ta đứng dưới mây nhìn mây bay
ly sầu ly sầu mà chi cô đơn mà chi
tháng mười một cài hoa lên tóc
chảy trăng tứ xứ chuông ngân thánh
      thót chuông vọng hồi

chuông ngân thánh thót mà chi
chuông nằm im trên vạt cỏ chuông treo
    trên tay người
từ đâu tới đây để ngóng vọng

vứt tiền qua cửa vứt đời qua cửa
  mà không vứt được nỗi buồn

cây xanh đứng đó nghìn sau cây xanh
    mỉm cười
em làm bướm bay vàng bãi non
anh làm chồi xanh nắng thơm khe tóc

tháng mười một dài như chiếc lược
tháng mười hai chót vót mưa mi
lang thang lá trở mình sấp ngửa

nhìn đâu cho thoả gương mặt người
gương mặt nghiêng rối bời gió thốc
gương  mặt thẳng như bàn tay mẹ
ấm áp bờ dâu đường quê dứa cuốn kèn
                         đèn tuổi nhỏ

con chim núi là ta hay ta là con chim núi
vút một tiếng tắt cổ
bi thương và mê ly
tháng mười một vành trăng giếng nước

nước thơm hoa giác bất
nước từ thân thể mà ra.

Bài viết của Huỳnh Minh Tâm
GV trường THPT Huỳnh Ngọc Huệ, Đại Lộc, Quảng Nam.
ĐT 0510 3865898
                  


                    



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét