Thứ Ba, 17 tháng 12, 2019

huỳnh minh tâm

Diễn từ Osho
Huỳnh Minh Tâm
“Hãy chỉ ở giữa
đây là kỹ năng và nghệ thuật lớn nhất
chỉ ở giữa
không chọn lựa
không chuyển qua trái
không chuyển qua phải.”

dường như ở đâu đó
những tật của cuộc sống , cái nhìn chăm chăm
lặp đi lặp lại
rằng…

từ ngữ , ánh trăng , niềm hy vọng bền bỉ
bao giờ cũng đứng trên đỉnh núi
cao hơn cuộc sống của chúng ta
đôi lúc quá tầm thường ?

“bạn ngã liên tục , khổ sở từ phức cảm tự ti”
bạn đứng dậy trên hương những người đàn bà
ánh mắt họ như chiếc thuyền
ngày biển động

dường như tâm hồn chúng ta được nung đỏ
ở mọi phía ở chỗ bệ rạc cây cỏ lên xanh tốt
ở bệnh viện nước mắt chảy dài người ta cầu nguyện
một chú chim bay về đầy nắng

trống rỗng im lặng hai tai một miệng
trườn qua một sườn dốc không vết cắt
một dòng nước thon thả đôi vai phụ nữ
đám mây tan dần bí ẩn cơn mưa tháng tư.
Huỳnh Minh Tâm
Số lần đọc: 1688
Giấc mộng mười năm
Huỳnh Minh Tâm
Trên con đường ra biển (hay đi vào huyệt mộ)
giấc mộng mười năm chim bay mỏi cánh
giờ em ở nơi đâu ?
hỡi những đoá hồng nhân gian những đôi bàn tay lan rừng

từ ngữ trốn thoát khỏi ta từ ngữ chạy rông như con chó đói
từ ngữ là tình yêu , sao lại mất đi vẻ diễm lệ ?
trên những lối mòn giấc mộng mê say như ong làm tổ
giờ em ở nơi đâu ?

tất thảy dường như chấm dứt
trước mặt , sau lưng , ngoảnh lại hai bên những chồng sách
                                                       trơ  trẻn
thơ ca là tình yêu , sao lại mất đi phượng hồng hai núm
                                                        vú tuổi thơ
giấc mộng mười năm triết học vài quả khế trong vườn ,
                                           tiếng hát mẹ mù xa

giờ em ở nơi đâu ? ao tù nào sông suối nào đã nuôi em
                                             tinh nghịch
cái chết là điểm tựa , cuộc sống chỉ vui thôi
quay qua quay lại mười năm đầu ngày hai bờ cỏ nắng xanh
hư không hơi thở mùi hương em tri kỷ.
Huỳnh Minh Tâm
Số lần đọc: 1683
NÉM CUỘC ĐỜI VÀO GIÓ

Ném những câu thơ xanh cây cỏ ngợp mùa non
ném cuộc đời vào gió

ôi !
những cơn bấc lạnh lùng nhe răng ăn tươi nuốt sống
tình yêu của tôi
những thân yêu dế chim chuồn chuồn ớt đậu dưa cà mùa ổi
trái xanh mắt biếc
cũng chả sao ? rơi rụng và trở về hé lộc

cũng chả sao ? những câu thơ thầm lặng chảy trong tiếng
nấc đêm
cửa nhà bị dồn nén nhiều phía
cũng chả sao ?

con tôi vẫn nhởn nhơ tuổi 17 chạy qua khu vườn mật ong
bầy dế ca vũ
con tôi vẫn nhảy nhót hái trăng vứt đầy căn phòng sách vở
và giấc mơ

tôi ở lưng chừng trời không mùa không ngày tháng
chỉ nghe gió gào bên tai
những mảnh đời của tôi hay của ai đang trôi nổi

ném kí ức, cái chết ma mảnh
sự mơ hồ bất tử
vào gió bụi hư không.

BUỒN XƯA LÀ GIẤC MƠ

Người về sớm mai vàng
hoa thơm đôi mắt em
bồ câu cánh nhớ thương
người về cát bụi
hoa lau trắng trời
nức nở mắt mẹ buồn thu

người về trăm năm
mơ hồ cười như trăng
bầy chim sẻ ríu ran đầu ngõ
người về nghìn năm
ảo ảnh lao lung
tóc phơi bờ cỏ

hương đâu hương đâu nghìn sau
hồn thu xưa là giấc mơ

Huỳnh Minh Tâm
Số lần đọc: 1584
CON CÁ LIA THIA
                                     
Tưởng nhớ ngoại

về đâu hử em gió cuốn chiều mây mưa hương lạnh
tiếng chuông chùa ráo hoảnh giọt pha lê
hàng cau ngoại trồng phơ phất tóc xanh,
tóc bạc ngoại đâu khói trắng
nằm ngồi mê man khuất bóng đò giang

về đâu tuổi thơ chuồn kim cắn rốn
sóng mấy bờ sông nợ mấy phù sa
bóng ngoại đầu hôm cắt lát xoài xanh
          chiếc áo xanh bờ hồ  động cỏ
con cá lia thia nằm ngủ mộ bia

về đâu hử em đêm rằm một trăng vườn ai cây bóng
dựng một trời say khướt đường non cỏ dại
          mắt người thu
dựng một giấc mơ dựng mùa hái ổi
tiếng ngoại lách lau rừng thẳm núi sâu

về đâu hử tôi chữ đào nghĩa mận
ném mấy phương trời hoa rụng mấy trăng
ấm bàn tay ngoại ánh mặt trời giêng hai
          chồi đâm lộc nẩy
sông nước đìu hiu quê ngoại thương yêu.


CHIM ĐỈNH NÚI

thưa mẹ
rát mặt con gió thổi đớn đau
con vừa đi qua con đường làng rơm rạ

nhưng tình yêu của con giờ đã ở rất xa
tóc đính hoa trời mây lạ

mẹ vẫn là mẹ của con
hoa đường làng vẫn thơm vóc áo

con vẫn yêu con đường làng hoa cải vàng
                         dấu chân tuổi mười ba
nhưng tình yêu đã bắc cầu mười sáu

mắt vẫn là mắt lá bưởi đầu sân
hương là hương nếp mùa đông mẹ thổi
                    bếp lửa bập bùng đêm rét giá

mẹ vẫn là mẹ chập chờn trong giấc mộng
con vẫn chim đỉnh núi gọi mặt trời.


ÁNH TRĂNG

tôi vẫn còn giữ lại vài điều tốt đẹp
đi uống cà phê mỗi sớm

thời gian tước hết thú vui
mối sầu lo tiền bạc

tôi vẫn còn đi qua bờ hồ đêm đêm
ánh trăng lung linh những chú cá rô quẫy nước

và đôi lần trộm nghĩ
về tình yêu đầu đời
những nụ hôn dang dở hoa lan thơm như sương

người vợ hiền nhìn tôi
như đứa trẻ

nhịp sống quanh tôi những trò vui hối hả
những nỗi buồn không tên nơi khoé mắt
người thân lần lượt giã từ

tôi vẫn còn gìn giữ
những trang vở học trò những truyện tranh cũ nát
gieo tâm hồn vài đốm lửa tình yêu./.
          
Huỳnh Minh Tâm
Số lần đọc: 1681
Nghe ấm một tình yêu : Đọc tập thơ Phía sau tôi của Nguyễn Đông Nhật
Huỳnh Minh Tâm
Sau tập thơ thứ năm Phía sau tôi ( NXB Đà Nẵng, 2003 ) khá thành công, hay và mới lạ, Nguyễn Đông Nhật lại cho ra mắt tập thơ được chuẩn bị công phu, chu đáo, ấn loát đẹp, trang nhã : Một trăm bài thơ, như là dấu ấn đóng lại một quãng thời gian tràn đầy xao động và sáng tạo : đất vướng ngang đường cày / thơ nghẹn tràn cổ họng của một trái tim nồng nàn yêu thương cuộc sống trong nỗi sầu muộn kín đáo để hướng đến nnhững suy tưởng mới dưới những “ lớp áo ” lạ  của vô thường trường cửu cỏ hoa mơ mộng.
Một trăm bài thơ  giàu chất liệu hoài niệm, suy tư về bao ấn tượng khó quên đã gây ra những hiệu ứng đặc biệt thâm trầm nào đó với tác giả. Như bài  Thời đại đã giải bày:
                                
                               Khép lại cánh cửa ấu thơ tôi
                                 trái mìn nổ không nghe tiếng
                                 trên lâu đài rực rỡ
                                 rác rưởi phủ đầy.
Hay :
                                 Có đêm tôi mở cửa ra đường
                                 nghe tiếng thì thầm trong hàng cây
                                 tưởng tới những người đã khuất
                                 những mặt đất những cánh rừng những năm tháng đi qua
                                 cứ mất hút dần đi và sinh sôi như kỷ niệm”.      
                                    ( Khu nhà số  20 ).
Trích hai đoạn ngắn này trong phần I của tập thơ gợi mở nỗi khát khao được yêu, được sống, được viết của một con người bằng xương bằng thịt trở về sau chiến tranh và cái chết, để thấy thơ Nguyễn Đông Nhật mang âm hưởng lặng lẽ, mang chiều sâu chiêm nghiệm các sự kiện  gắn bó mật thiết đối với các nhà thơ . Phần này còn có nhiều bài thâm trầm, sâu sắc với những giấc mơ đẹp như Sân khấu, Những người bạn gái, Bài ca của gió:
                 
                  Những trận gió khác nhau đã thổi ngang đời chúng ta
                   nơi cánh rừng anh đi qua
                   gió rung bờm suốt một thời lửa cháy.
                   Và hơi gió ngủ quên lớp bụi phai mờ
                   trong căn phòng tôi cửa đóng
                   Nhưng cơn gió tháng năm  trẻ tuổi
                   bên con phố đìu hiu ven biển ngày nào
                   còn ve vuốt dịu dàng mái đầu chúng ta chớm bạc.

Phần II là lời nói dịu dàng kín đáo của  người tình – cuộc sống, những giấc mộng  “ trở lại, trở lại dòng lệ âm thầm / là nỗi hân hoan của giấc mơ ” như chính nhà thơ đã thổ lộ:
                  
                   Có phải ngôi nhà với những đồ vật gọn gàng
                    với đám bụi mỏng mỗi ngày, dù được lau đi
                    còn đọng lại nét thời gian khó nhọc.
                    Hay tình yêu là cơn gió vô tình
                    thổi bên ngoài  sự ấm cúng.         
                        ( Tình yêu )

Chủ đề tình yêu với khái niệm rộng lớn mang tính triết học xuyên suốt tập thơ nhưng gần gũi và thân thuộc nhất là ở các bài  Hội An, Nghịch lý của tình yêu, Ban mai. Với bút pháp chấm phá, giàu chất suy tưởng, nhạc điệu mới lạ và quyến rũ, tác giả đã vẽ nên những bức tranh cảm xúc tinh tế và sâu sắc, những liên tưởng bất ngờ, thú vị :

                   Lẽ ra bóng họ lấp đầy tôi
                   khi tôi tìm cách từ bỏ
                   bản thân vô ích này.                     
                         ( Nghịch lý của tình yêu )

Phần III đầy ắp mùa màng xao động, đánh thức nỗi cô đơn của tác giả tưởng chừng còn ngủ quên ở hồn lau tâm lách. “ Ra đi. Sông réo bên nguồn sóng / Mặc những con đường xé ngã ba / Cuối giấc điên bừng tan ảo tưởng / Thấy hồn như lửa sáng trên tay. Đặc biệt trong phần này, Nguyễn Đông Nhật đã viết lên một tình yêu chân thực đầy chất lãng mạn và sinh động, một cảm xúc tình yêu đã “ hóa thân ” thành những câu thơ giản dị. Ở đây, cái Đẹp chỉ  dành rất ít chỗ cho những mỹ từ, mà hiện thân nó là “ tuệ quán ” với  “ cái đang la ” tế nhị, lặng lẽ:

                   năm tháng hiện dần trên những sợi tóc anh
                   đôi mắt em nhìn nơi nào xa.

                   ngọn đèn trên hoàng hôn thẫm bóng
                   thời gian vẽ một đường cong không mờ.      
                        ( Cửa chiều )

và :
                   Những tiếng động và ánh sáng khác
                   là mùa xuân, điều trùng lặp không cũ
                   sự vật trong tiếng đập cvánh dịu dàng
                   rơi xuống từng giọt tí tách.                             
                        ( Mùa xuân )

Phần IV là khúc nhọc nhằn của cuộc đời giao hòa âm điệu với “ bi ca thâm trầm của triết học phương Đông ” . Dẫu rằng cũng chỉ  “ ngồi sáng vẽ chiều, nhìn trăng vẽ hoa ” gắn với chất suy niệm nhưng gợi được một số cảm hứng mới lạ:

                  Nhịp đời mãi gót vân vi
                  Cuối cơn trường mộng thấy gì nữa đâu
                  Êm qua lối nắng phai sầu
                  Ai như gió gọi bên cầu tịch nhiên                      ( Ngộ tĩnh )
Hay :

                   Trong thành phố
                   dường rất ít nhà có tro.

                   Làm sao họ hiểu
                   sự tàn lụi của lửa. Chầm chậm.

                   Của chính họ.                                 ( Sự rơi xuống bình an )

Về mặt sử dụng ngôn ngữ, ở đây có một nỗi cảm thông nào đó , dẫu rằng còn có vẻ hững hờ, xa lạ nhưng rất đáng trân trọng; và tự chúng ta cũng cảm thông với tác giả. Cuộc sống luôn vận động, biến đổi, thế thì tâm thức, thế đứng thế nhìn của nhà thơ đôi lúc cũng không được “ định “ như ý vậy ? Tiết tấu thơ chậm, lẻ, đơn độc.

Phần V của tập thơ gánh nặng cảm hứng nghề nghiệp, tình yêu của những tâm hồn đồng điệu, chia sẻ những dằn vặt trăn trở trước lớp lớp xô bồ con chữ vốn dĩ tác động cụ thể và đầy ám chướng đến nghiệp cầm bút:

                             Đằng sau nỗi đau đớn của ông
                             ánh sáng những câu thơ
                             vẽ màu cỏ
                             biếc xanh.                             
                                    ( Nhớ thi sĩ Văn Cao )

Nói về người cũng là nói về mình, là cái nhìn vào tâm điểm thực tại hay ảo ảnh và qua bao lăng kính của đời người dâu bể: “ Tôi gắng vẽ hình tôi giữa cuộc đời / bằng cây bút của những giấc mơ / có thể thấm tràn máu đỏ / hay có thể khô cong ”          ( Phía sau tôi ). Hoặc : ” Người ta sẽ quên giữa những bộn bề / tên anh. Thoáng mây chìm gió giạt / nhưng cái bóng thầm tiếng động những câu thơ / chầm chậm thấm vào giọng hát trong mơ ”.             ( Nhà thơ ).

Nhìn chung, Một trăm bài thơ  là tập thơ bề thế, đầy đặn các ý tưởng với một bút pháp nhất quán, chặt chẽ. Đề tài của nó rộng lớn về cuộc sống, tình yêu và thơ ca. Đặc   biệt là cảm hứng chân thực và cảm hứng nhân đạo, tình yêu – hy vọng của bao cảnh đời mất mát sau chiến tranh. Nguyễn Đông Nhật viết thơ “ kỹ ”, ngôn từ giản dị, hàm súc, nhịp điệu thơ uyển chuyển, mới lạ, rất kén chọn. Tuy nhiên, những bạn đọc đã quen thuộc với  dòng thơ ca lãng mạn vốn du dương, dễ ngâm ngợi phổ biến  trong nhà trường phổ thông hẳn khó có thể  “ quen ” với thơ Nguyễn Đông Nhật. Trường liên tưởng thơ anh rất rộng và gợi mở, phép so sánh xa xôi bất ngờ, gợi cho bạn đọc có cảm tưởng dòng thơ đang vận động ở hình thức câu thơ tĩnh lặng, khắc khổ. Cảm hứng “thiền “ ở thơ anh ít màu sắc biểu cảm nên đôi lúc khó đọc. Nhưng cảm hứng trần thế – quê hương – con người trong thơ anh giàu sắc thái biểu cảm và đẹp. Một thành công nữa của thơ Nguyễn Đông Nhật là với tài quan sát sắc sảo và trí tưởng tượng phong phú, có những đề tài, sự kiện quen thuộc nhưng qua ngòi bút của anh, các hình ảnh trở nên sống động, với bao lý giải thú vị, đáng kinh ngạc :

                           Mọi sự ra đi đều báo trước
                           nhưng anh không hình dung, khuôn mặt yêu dấu kia
                           lẫn vào những khuôn mặt khác
                           tại sao phải sắp hàng trước một mùa đông.            
                                    ( Biệt ly )

Và ở những bài khác như  Nước mắt, Quảng trường, Chân dung. Ở đây, ta còn bắt gặp một nhân vật an bằng tĩnh tại giữa hân hoan tâm linh, một trái tim đầy xao xuyến giữa bao khát vọng về cái Đẹp và một hình ảnh “ qui khứ ”.

Dẫu đôi lúc, đôi bài trong tập còn chạy theo “ nhịp điệu yêu dấu của quán tính ”, văn cần chắt lọc hơn và cần vượt thoát một số giá trị đã ổn định của tâm thức, của bút pháp, tập thơ mới này của anh đã đóng góp những giá trị to lớn cả về hình thức lẫn nội dung cho thơ hiện đại Việt Nam. Nếu không quá chủ quan, theo tôi, đây là một trong những cây bút khó đọc nhưng đáng yêu đáng trân trọng giữa hỗn tạp những “ nàng thơ yểu điệu kiêu sa ”. Nguyễn Đông Nhật, một lần nữa khẳng định : bản lĩnh thơ ca là xa lạ, độc đáo và lặng lẽ, rời xa “ mốt thời thượng ”; không như thế, thì chỉ là ngôn từ trì trệ.

3 – 1992
Huỳnh Minh Tâm
Số lần đọc: 2238
Nguyễn Đức Dũng và Bài áo giấy cho sông
Huỳnh Minh Tâm
Như có lần tôi đã giới thiệu trên một bài viết, ở vùng đất Quảng Nam những năm gần đây nổi lên hai nhà thơ có giọng điệu rất lạ, nội lực sung mãn và niềm say mê thơ điếu đổ, đó là Đỗ Thượng Thế và Nguyễn Đức Dũng. Có điều đặc biệt là cả hai anh đều được đất Điện Bàn dung dưỡng truyền cốt. Người viết bài này có cảm nhận, dường như ở thời điểm nào Điện Bàn cũng "sinh nở" được các văn nhân thi sĩ và nhạc sĩ tài hoa, không kể ở những lĩnh vực khác. Chỉ nghiên cứu ở những thập niên gần đây, như tôi biết, có Nguyễn Hàn Chung, Nguyễn Minh Hùng, Nguyễn Nho Khiêm,  Nguyễn Nho Sa Mạc, Nguyễn Chiến, Nguyễn Ngọc Hạnh, Mai Thanh Vinh...Gần đây nhất là Phạm Tấn Dũng với tập thơ Phía sóng cũng gây được tiếng vang trong lòng độc giả xứ Quảng. (Xin lỗi những nhà văn, nhà thơ khác tôi không kể tên ở đây, hoặc quê xứ Điện Bàn đi làm ăn xa, hoặc ở quê khác chọn Điện Bàn làm quê hương). Chất thơ Điện Bàn cũng rất lạ : sắc sảo, phóng khoáng, gân guốc, và dường như nặng phần lý trí (chung vậy, còn mỗi ngưòi mỗi khác là hiển nhiên). Điều đó sẽ có một bài nghiên cứu kỹ và sâu hơn. Ở đây, lan man như vậy cũng chỉ để hiểu sâu thêm về nhà thơ Nguyễn Đức Dũng.

Nguyễn Đức Dũng sinh năm 1958, quê nội ở thôn Phú Đông, Điên Quang, Điện Bàn, hiện sinh sống ở Thành Phố Tam Kỳ. Dáng người anh nhỏ thó, đen ngòm như hòn than, lại có bộ râu đậm đen trông thật khắc khổ," nghinh ngang". Mà cũng thật vậy. Cuộc đời của anh lên thác xuống ghềnh, như bị ông Trời đày ải (có vậy mới làm thơ chăng ? để xưng tụng mối sầu của tâm hồn, cái trắc trở của số phận ?).. Có lần tôi nghe anh tâm sự mình như một hòn đálăn không được phép mọc rêu. Cuộc sống chưa bao giờ ổn định. Công việc luôn luôn thay đổi. Rồi anh "trào lộng" tên mình là chẳng có gì "đức" "dũng" cả !. Nói chơi vậy thôi chứ cái "đức', cái "dũng"  của anh thì anh em văn nghệ đất Quảng ai cũng hiểu và chia sẻ. Tính tình anh thật trầm lặng, chân thật và dễ mũi lòng. Thơ anh thì tràn trề tính nhân văn, chất lửa của tình yêu đất đai và quê hương. Dũng có nhiều bài thơ ấn tượng, nhiều câu thơ "mộc mạc" gây sốc cho bạn đọc. Bài thơ  bài áo giấy cho sông của anh đã đăng nhiều báo trung ương và cả địa phương, đọc mãi vẫn cảm thấy một sức hút ngôn ngữ hoặc chất thơ "nghinh ngang" có sức lan toả trong lòng. Dũng bảo  nó là bài văn tế cúng một đoạn sông mang nhiều tâm linh riêng tư, trong đó hình bóng người cha kính yêu và tội nghiệp củaDũng đã lần mò từ khi thơ dại và những năm tháng cuối đời khổ luỵ của ông. Thưc ra, đọc toàn bộ bài thơ ta chẳng gặp một từ "cha" nào cả.Nhưng quả thực, ở nó ta cảm nhận sự thăng trầm của một số phận, sự gắn bó thân hiết máu thịt của con người với quê hương, của tâm hồn mộng ảo với cây cỏ đất đai.

Đem một khúc sông đi  rồi chẳng đem về
Ký ức ở trần bỏ quên mất áo
Lau bói đã xanh tràn biền bãi...
Chòng chành tuổi tác cập vào đâu ?

Ý tưởng và hình ảnh đoạn thơ trên của anh thực ra không mới. Thi nhân Nguyễn Du đã có Trải qua một cuộc bể dâu/ những điều trông thấy mà đau đớn lòng. Nhưng lạ lắm, cách nói cách thể hiện của Dũng lúc này vừa lãng đãng vừa day dứt. Những từ ngữ anh dùng "đem", "ký ức ở trần", "chòng chành tuổi tác" làm dấy lên một thi pháp mới. Nếu nói không quá ca tụng, thì đó là một sự sáng tạo độc đáo của riêng anh. Đến đây chợt nhớ thơ của nhà thơ Phùng Tấn Đông. Anh cũng có những câu thơ "đậm đà đau đớn" :sông đã chảy những róc rách đời đời mồ côi đất đá dỉnh núi thiêng Ngọc Linh ra cửa Đợi/ chảy lấp loá lưng trần gai xước nước mắ tổ tiên thời qua sông vỡ đất gieo mầm. "rằng hay thì thật là hay, nghe ra có vẻ chất phương tây nhiều"( là nói vui thôi !). Đức Dũng mộc mạc sầu đau, chưng cất nỗi đau bằng từ ngữ sắc sảo, gọn ghẽ.

Hôm sớm tuồng như sầm sập qua cầu
Bóng đò khuất bảy đời dương còn neo tiếng ới
Thương nhớ chóng bồ bồ chỗ đợi
đời người vuốt mặt đời sông.

Khai triển ý thơ thấy lại một quá khứ nhièu mặc cảm, đày đoạ. Cuộc sống với bao âu lo nặng nề cơm áo.Sông và người cũng chôn chân nhau trong cuộc mưu sinh và lòng trắc ẩn. "rằng sông kia/ rằng người đi/ có cùng câu chuyện của đời chảy quanh/ ta còn mắc nợ nguồn xanh/ lang thang mấy cõi đi về đất đai". (sông-Nguyễn Trung Bình-trong tập núi gọi biển).

Ngày xế khòm lưng khẳm nỗi sào không
mớn cũ nương nhau chống chèo mấp mé
tôi từng dịp trăng về không thấy bạn
sắp mụt măng còng roi quất chẳng buồn đi...!

Tới khổ thứ 3, tác giả mới hé lộ một nỗi niềm đơn độc bao la cái tự ngã. Ánh trăng le lói trên con đường cát bụi phù vân. Nhưng cũng chỉ có một ánh trăng nhỏ mềm bảng lảng khói sương để ru mộng đời người, mà "ngựa người" vẫn 4 vó không cất bước dời chân nổi. Trong niềm bi thương thống thiết ấy, có gì hơn chăng ?

tưởng nghinh ngang thiên hạ hải hồ
ngửa mặt phơi càn chín phương nắng gió
về đây bụm một sắc trời xanh ngợp người quá kể
sóng không hình đứng cạn mà...say !

có thể nói, khổ cuối tác giả đã dành hết tâm can, sức lực "thét" lên một tiếng cuộc sống đầy bất hạnh, mang mang tính nhân văn. Từ ngữ anh dùng rõ nét Quảng Nam, đắc địa. "bụm một sắc trời xanh" là một hình ảnh mới lạ, cuồng say, và trước mặt là tình yêu đau đớn rút rụôt, một niềm say nồng với khát vọng hạnh phúc và cuộc sống miên viễn an bình.

Xuyên suốt bài thơ, tác giả dã dùng những ngôn từ "quá liều lượng, quá độ" để về quê thắp một lòng hương khói/ một đời áo giấy đốt cho sông. Nghiêng một tí chút nữa thôi là tham vọng từ ngữ, là sính nỗi  "lệ tràn mi'., như "sầm sập',"khòm lưng" ,"khẳm, "còng"...Nhưng dường như thiên phú, Nguyễn Đức Dũng đã biết dừng lại đứng lúc, đúng chỗ. Quá khứ buồn đau như thế là vừa. Không biết tôi có "quá chén" hay "tri kiến bất toàn" chăng ? Ngẫm nghĩ mãi, bài thơ hay có lẽ ở chỗ lòng người trong vắt, ở chỗ chân thật biêt trân trọng, yêu quí con người, cuộc sống ,dẫu đôi lúc phải cắn bầm nát môi. Dường như Nguyễn Đức Dũng đã "ngộ " ra bao điều thơ ca. Thành thật chúc anh thành công trên con đường gian truân này./.
Huỳnh Minh Tâm
Số lần đọc: 2068
Nguyễn Tam Phù Sa với tập truyện Nơi chim cu ưa gáy
Huỳnh Minh Tâm
(Nhân đọc tập truyện Nơi chim cu ưa gáy của Nguyễn Tam Phù Sa, NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 2009)

Nguyễn Tam Phù Sa là người con Đất Quảng. Ông đã ra đi và mang nghiệp văn chương vững chải cũng từ mảnh đất “ chưa mưa đà thắm”, và hiện đang sinh sống tại thành phố HCM. Tôi gặp ông vài lần  khi ông có dịp về thăm quê và gắn bó, “tri âm” với ông bên bàn trà, chén rượu bàn “cơ sự văn chương”. Nguyễn Tam Phù Sa bước vào tuổi lục thập nhưng sức viết, sức sáng tạo chữ nghĩa của ông còn mạnh mẽ, tươi tốt lắm. Dường như ông viêt thơ rất nhiều, “đầy ắp” trên các thông tin mạng. Con chữ của ông được trau chuốt cẩn trọng, mang “máu giang hồ và ly quê”. Thế giới thơ của ông đa thanh đa điệu. Có thể liệt kê ra đây một số tập như : Mưa sương trong vườn tình cũ(1970), thắp chút tàn phai (1995), ra đi cùng dã tràng (2000), con mắt phù vân (2002)… Ông còn biên soạn, sưu tầm, tuyển chọn nhiều công trình, ở nhiều lĩnh vực. Dường như ở các công việc dẫu rất khác nhau ông vẫn say mê và có bề dày, một thú vui bất tận huyền hoặc. Chẳng  hạn các tập :từ điển tiếng việt (2008),701 câu đố về văn hoá-lịch sử Việt Nam (2008), 701 câu đố về non nước Việt Nam (2008 ), mẹ ơi-thơ chủ đề (2006), cah ơi (2006), thầy ơi (2006), thơ ơi cùng chảy nhé (2009)…

vào cuối năm 2009 này, tôi nhận được tập truyện ngăn ngắn nơi chim cu ưa gáy ông tặng cho, như món quà chuẩn bị đón xuân canh dần. Thật bất ngờ và cảm động. Tập sách không chỉ được trình bày rất đẹp mà lời ngỏ của ông cũng thật giản dị, thật thà. Ông viết : “Bên cạnh thơ, tôi tập tành làm quen với truyện ngăn ngắn. Trí thiển, tài mỏng, muốn chọn cái dễ để làm. Làm rồi mới biết viết ngăn ngắn không hề dễ, y như làm thơ tứ tuyệt, rất khó thay. Trong chừng mực nhất định, thì công việc này chẳng có gì là kiểu cách hay “ văn sĩ” cả, mà đơn giản chỉ là một biểu hiện tự nhiên của lòng đam mê chữ nghĩa, muốn ghi lại một số “ những điều trông thấy”, theo sau một số tthông điệp, có cả những điều “ nghe chướng tai, nhìn gai mắt”. Song luôn có sự giảm nhiệt, chia sẻ những vui buồn, hạnh phúc, đau đớn của con người” Nói vậy có thể là vậy, cũng có thể không phải vậy. Bởi bạn đọc lại một lần sáng tạo cung tác giả, tìm thấy mối giao hoà to lớn đối với tập sách và tác giả thì sao ? Với tôi, các trang viết  ở nơi chim cu ưa gáy  thấm đãm tính nhân văn, phong cách chỉn chu, hóm hỉnh. các câu chuyện mỉa mai ra phếch. Một thế giới tình cảm và tâm linh dẫu rất đơn sơ nhưng rất con người 

Bạn nhậu, truyện mở đầu tập sách là nỗi chua xót có thực về một thực trạng bạn bè có nhau, vui vẻ, đàn đúm những lúc rủng rỉnh tiền bạc, nhưng khi đau ốm, cơ cực thì vắng lạnh cô đơn. nén nhang  cho cha đánh thức một nghĩa cử cao đẹp về tình yêu quê hương máu mủ, về tình yêu con người nhưng đôi lúc “cái giá phải trả quá đắt”. Giàu tiền nghèo hạnh phúc vỡ lỡ cái mâu thuẩn, cái qui luật dường như tất yếu của thời buổi kinh thế thị trường, các giá trị được cân đong đo đếm bằng tiền, kể cả tâm hồn. Bơi vậy mà rất nhiều người đua chen chất chồng tiền của mà biết đâu hệ luỵ vủa nó là hạnh phúc, nỗi xúc cảm của tâm hồn thì ngày một teo tót dần, nghèo nàn đi.

Những mẫu chuyện nơi chim cu ưa gáy  ngăn ngắn thật. tác giả chỉ triển khai một ý tứ như hơi thở của cuộc sống nhưng có bi, có hài. Chẳng hạn truyện Điều kiện nhận…từ thiện nói về sự tắc trách, vô cảm của một số ít thành phần trong xã hội trước nỗi đau, nõi bất hạnh vủa con người. Truyện nhà trệt nhà cao tầng cũng là bi hài dị dạng tình cảm của con người trong thời đại chúng ta. Còn vô số truyện khác nữa, như : danh thiếp lạ, đạo lý ở đâu, hở trời, chức năng của chó, cuộc đời là một…bi kịch…

Tựu trung 101 truyện ngăn ngắn ấy, tác giả như muốn gửi gắm một “chút ít” tâm sự, cái nhìn nhiều mặt nhiều chiều về một hiện thực tốt đẹp nhưng cũng lắm trái khoáy. Mà ngẫm đôi lúc tác giả cũng nhận ra nhân tình thế thái là vậy, là vậy, nỗi đau trong tâm hồn ta là thế, là thế, mà cuộc sống vô thường là kia, là kia. Về bút pháp, cũng như tác giả đã thổ lộ, các truyện ngăn ngắn này chẳng phải văn phong hiện đại, cũng chẳng phải tác giả tham muốn tạo ra kết cấu truyện ngắn kỳ dị trác tuyệt gì, nhưng bạn đọc chúng ta cứ từ từ, chậm rãi, lai rai đọc vài ba truyện trong tập, đôi khi  tâm hồn chúng ta bất chợp hân hoan và gật gù với tác giả về những vấn đề nhạy cảm đang hiện diện. Sau khi gấp tập sách lại tôi mãi hy vọng điều ấy./.
Huỳnh Minh Tâm
Số lần đọc: 1551
Đường thi thấm đẫm mùa xuân
Huỳnh Minh Tâm


Đường thi là di sản vô giá, báu vật không chỉ riêng của nhân dân Trung Hoa, mà còn chung của nhân loại. Với sự chắc lọc ngôn từ, chỉn chu vần điệu, hàm súc cấu tứ, rộng lớn đề tài, kín đáo tư tưởng, đường thi đã làm say mê hàng triệu triệu con tim độc giả của nhiều thế kỷ, và vẫn còn sức lan tỏa lâu bền. Cảm hứng sáng tạo của đường thi vô cùng phong phú, đa dạng. Quyện chặt tình yêu của con người với con người, con người với thiên nhiên, con người với lý tưởng, con người với đạo…dường không thể tách biệt được. Thường một bài thơ Đường ngắn gọn, viên mãn như một ánh chớp, để lại dư âm tiếng sét độc sáng trong lòng độc giả. Đường thi thấm đẫm mùa xuân trời đất và tâm hồn của con người:

Vu Sơn liên Sở mộng,

Hành vũ hành vân kỷ tương tống.

Dao hiên kim ốc thượng xuân thì,

Ngọc đồng tiên nữ vô kiến kỳ.

Tử lộ hương yên diểu nan thác,

Thanh phong minh nguyệt dao tương tư.

Dao tương tư, thảo đồ lục,
                       
(Giang Nam đùa dở

Vu Sơn nối liền mộng Sở

Tiếp tiếp mây mưa chia tay mấy độ

Hiên ngọc nhà vàng xuân đến rộ

Tiên nữ ngọc đồng không kỳ hẹn ước

Sương thơm khói biếc khó mong

Gió trong trăng bạc mơ mòng nhớ nhau

Mơ mòng nhớ nhau, đường xanh cỏ biếc một màu)

Đó là bài thơ Giang Nam lộng của Nhà thơ Vương Bột (647–675), tự Tử An, người Giáng Châu, Long Môn. Đứng trước mùa xuân sương thơm, cỏ biếc, gió trong, trăng bạc thi nhân sầu nỗi sầu thương nhớ gái đẹp, đã gặp gỡ sao mà chia tay không hẹn ước răng long đầu bạc hử ? Trong thơ có họa, có tâm trạng, có triết lý nhân sinh đường đời dâu bể.

 Nhà thơ Dương Quýnh (650-692) sống vào khoảng đời vua Đường Cao Tông, người huyện Hoa Âm. Ông có bài thơ Ngũ ngôn tứ tuyệt kiệm lời, mà gửi gắm tình bạn lai láng. Ngày chia tay người và cảnh, người và trăng chan hòa miên man bởi bạn ông đã là ngọc, là trăng, mang nhiều lý tưởng và cái đẹp:
Triệu thị liên thành bích

Do lai thiên hạ truyền

Tống quân hoàn cựu phủ

Minh nguyệt mãn tiền xuyên.
(Triệu có ngọc liên thành

Thiên hạ đã nghe danh

Tiễn ông về phủ cũ

Sáng ngập đầy sông trăng.)
   ( Đêm tiễn Triệu Túng)

 Nhà thơ Lạc Tân Vương  (khoảng 640-684) sinh vào khoảng cuối đời Trinh Quán, Đường Thái Tông. Nổi tiếng về ca hành. Thơ ông đẹp, sinh động. Giai nhân là mùa xuân mơm mởm, là nhụy xuân trinh trắng, là hương xuân thơm thảo, là gió xuân điều hòa, là nắng xuân mênh mang, là mây xuân la đà, là bướm xuân rộn ràng, là tình xuân nồng đượm.
Mỹ nữ xuất đông lân,

Dong dữ thượng Thiên Tân.

Chỉnh y hương mãn lộ,

Di bộ miệt sinh trần.

Thủy hạ khán trang ảnh,

Mi đầu họa nguyệt tân.

Ký ngôn Tào Tử Kiến,

Cá thị Lạc Xuyên thần
(Giai nhân từ phía đông hàng xóm

Cầu Thiên Tân nhàn hạ bước lên

Chỉnh xiêm y đầy đường hương bám

Bụi bay khi nàng chuyển gót sen

Trên mặt nước dung nhan ẩn hiện

Đôi mày cong vòng nguyệt trăng non

Mượn thơ xưa của Tào Tử Kiến

Gửi tâm tư đến Lạc Xuyên thần.)
(Vịnh người đẹp tại cầu Thiên Tân)
Bài thơ có kết cấu đề, thực, luận, kết thật sát hợp, tả người đẹp như một bức tranh, làm xao xuyến bao tao nhân mặc khách, ý vị vô cùng, sảng khoái vô cùng.

Yêu thích thiên nhiên, say mê bốn mùa, đặc biệt say mê rượu, trăng , mùa xuân, cảnh đẹp của thiên nhiên, sống một đời phóng khoáng, tha hương, ngao du đây đó, thường vấn vương hoài cổ, làm thơ theo lối cổ phong rất được yêu thích. Nhà thơ tôi muốn nói trên là thi tiên Lí Bạch. Nhà thơ Lí Bạch  701762) là một trong những nhà thơ danh tiếng nhất thời thịnh Đường nói riêng và Trung Hoa nói chung. Thử đọc một bài của ông :
      Nguyệt Hạ Độc Chước
...
Hoa gian nhất hồ tửu,
Độc chước vô tương thân.
Cử bôi yêu minh nguyệt,
Đối ảnh thành tam nhân.
Nguyệt ký bất giải ẩm,
Ảnh đồ tùy ngã thân.
Tạm bạn nguyệt tương ảnh,
Hành lạc tu cập xuân.
Ngã ca nguyệt bồi hồi ;
Ngã vũ ảnh linh loạn.
Tỉnh thì đồng giao hoan,
Tuý hậu các phân tán.
Vĩnh kết vô tình du,
Tương kỳ diểu Vân Hán
(Một mình uống rượu dưới trăng
(dịch: Tương Như)
Có rượu không có bạn,
Một mình chuốc dưới hoa.
Cất chén mời Trăng sáng,
Mình với Bóng la ba.
Trăng đã không biết uống,
Bóng chỉ quấn theo ta.
Tạm cùng Trăng với Bóng,
Chơi xuân cho kịp mà !
Ta hát, Trăng bồi hồi,
Ta múa, Bóng rối loạn.
Lúc tỉnh cùng nhau vui,
Say rồi đều phân tán.
Gắn bó cuộc vong tình,
Hẹn nhau tít Vân Hán.)
Bài thơ nằm trong tâm trạng thi nhân đang say rượu, say đời. Dường như rượu, hoa, trăng và người hòa trộn nhau trong cõi nhân sinh biền biệt, trường cửu của mùa xuân, đêm xuân phơi phới. Cái mỹ lệ cuộc đời như phơi mở trong tâm hồn của thi nhân ngộ đạo. Câu chữ mạnh mẽ, đã đời.

Thi thánh Đỗ Phủ (712 – 770) là một nhà thơ Trung Quốc nổi tiếng khác. Ông cảm tác rất nhiều thơ xuân, như để lại nhiều bức tranh đẹp làm xao xuyến và hứng khởi cho nhiều độc giả trước ngưỡng của xuân phập phồng, bồi hồi xúc động:

Hảo vũ tri thì tiết 

Đương xuân nãi phát sinh 

Tuỳ phong tiềm nhập dạ 

Nhuận vật tế vô thanh 

Dã kính vân câu hắc 

Giang thuyền hoả độc minh 

Hiểu khan hồng thấp xứ 

Hoa trọng Cẩm Quan thành
(Trời tốt, mưa lành tới 

Đang xuân chợt nhẹ rơi 

Vào đêm theo với gió 

Êm tiếng mát cho đời 

Đường nội làn mây ám 

Thuyền sông ánh lửa ngời 

Sớm trông miền đỏ thắm 

Hoa nở Cẩm Thành tươi )
 (Đêm xuân mừng mưa)
Bài thơ tả cảnh đẹp, gợi lòng người niềm vui sống, hào hởi trong tiết trời xuân ấm áp lửa đỏ, hoa nở, mây bay

Bạch Cư Dị  (772-846) tự là Lạc Thiên , hiệu là Hương Sơn cư sĩ , người gốc Thái NguyênSơn Tây. Thơ ông giản dị, dễ hiểu. Ông có một số bài thơ viết về thiên nhiên u hoài, nhàn tản, nỗi buồn riêng kín đáo

          Đại Lâm Tự Đào Hoa


Nhân gian tứ nguyệt phương phi tận
Sơn tự đào hoa thủy thịnh khai
Trường hận xuân quy vô mịch xứ
Bất tri chuyển nhập thử trung lai.
DỊCH NGHĨA
Trong cõi nhân gian, tháng tư hương thơm đã tan hết
Nhưng hoa đào ở ngôi chùa trên núi mới bắt đầu nở rộ
Ta cứ giận mùa xuân bỏ đi không để lại tung tích
Mà không biết rằng (mùa xuân) chỉ chuyển về đây thôi.
DỊCH THƠ
Hoa đào chùa Đại Lâm
Tháng tư hương sắc phai tàn hết
Sơn tự đào hoa mới nở đầy
Còn giận xuân đi không dấu vết
Đâu ngờ xuân đến nở nơi đây.
Lãng Xẹt Tử dịch
Một cánh hoa xuân tình tứ nở trong tâm hồn nhân sinh. Nhân sinh sống hoa nở. Nhân sinh đi hoa diệt. Lẽ tự nhiên của trời đất. Nhưng rồi ngẫm đi ngẫm lại mới nhận biết tự ngã của ta giao hòa tự ngã trời đất. Sống bây giờ và ở nơi đây. Cái đẹp cũng bây giờ và nơi đây, chứ có xa xăm xa xôi gì !? Triết lý
Của nhà thơ Bạch Cư Dị không cũ không mới, không rộng không hẹp, mà xuyên suốt mười mấy thế kỷ, nghĩ mà “ ớn lạnh”, mà cảm nhận mãnh lực thơ ca vô cùng hồn nhiên, vô cùng sức mạnh và quyến rũ.

Còn vô số bài Đường thi huy hoàng, tráng lệ của bao thi nhân vẽ nên bao cảnh, bao tình, bao xúc cảm hạnh phúc, hoặc bao nhớ nhung thao thiết, bao
biến đổi cuộc đời, bao mùa xuân vĩnh phúc, bao gái đẹp lưu ly. Đường thi thấm đẫm mùa xuân, hương xuân, sắc xuân, nắng xuân, trăng xuân…Từ bấy đến nay vẫn sừng sững uy nghiêm mà giản dị như không khí để hít thở giữa đời sống.






Huỳnh Minh Tâm
Số lần đọc: 1634
Tiếng suối trong đầm lầy
Huỳnh Minh Tâm


nếu bạn đứng nguyên như thế
dáng vẻ, giọng hát, cái hắt hơi, trò
điếm lác
đời sống không hiển lộ điều gì
bí mật như đất

đêm đêm
bạn la toáng lên
cuộc đời buồn bã như những giọt
rượu
của con rắn chết
hồ lô nỗi đơn độc
và bệnh tự kỷ ám thị

bạn đã đi qua những con đường
rừng
lung linh ánh trăng tiếng sói hoang
vang dội ám chướng chưa
bạn đã từng  ôm chặt những người
đàn bà trong mộng
ve vuốt những gò đồi, những hang
hố, những lưu thủy, những  nhịp
điệu, những sóng lừng, những chết
chóc, những chán chường, những
hút heo, những sa mạc, những suối
nguồn chưa
xin một lần mưa móc
và chối bỏ

nơi đây chúng ta vừa được sinh ra
nơi đây chúng ta giẫm đạp lên nhau
và chối bỏ

dưới rặng cây xanh
những con chồn vừa đẻ
vừa hắt hơi
cái nắng của mùa hè
phả hương dủ dẻ

và dòng suối nõn nà
vừa gọi thầm thĩ
những hạt cát





Huỳnh Minh Tâm
Số lần đọc: 1201