Thứ Ba, 9 tháng 2, 2016

ĐỌC GIỮA LÒNG SÔNG CHẢY

 (Nhân đọc ĐỌC GIỮA LÒNG  SÔNG  CHẢY
tập thơ Giữa lòng sông chảy  của Ngô Phú Thiện, NXB Thanh Niên 2010)



Loáng thoáng tôi gặp Ngô Phú Thiện vài lần trong các cuộc họp của Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Nam; chưa có dịp trò chuyện, hàn huyên với anh nhiều; chỉ đọc rải rác đôi ba bài của anh trên các tạp chí Đất Quảng và báo Quảng Nam; nên khi nhận được tập thơ Giữa lòng sông chảy  anh tặng, để “ nhận diện” ra một người anh cùng “nghề” và “nghiệp”, một “ gương mặt mới” của xứ Quảng, tôi liền một mạch đọc Giữa lòng sông chảy

Như anh giới thiệu ở trang bìa, tên Ngô Đăng Khoa, sinh năm 1956, quê Tam Kỳ. Như vậy tính ra tập đầu tay này của anh là một bước đi dài của tuổi đời để với được “ quả chín”, một cố gắng khá “nhẫn nại” trên con đường in ấn tác phẩm để giới thiệu với bạn đọc.

Thiết nghĩ, Giữa lòng sông chảy  phải chăng là dòng tâm sự sâu lắng, đa mang, có cốt cách xương tủy của tác giả giữa dòng đời phù vân đang cuộn xiết, xô bồ ? Và giữa lòng sông ấy vẫn có một trái tim âm thầm mơ mộng, luôn trăn trở về nhân tình thế thái, luôn chiêm nghiệm về lẽ được mất, tốt xấu, vinh nhục của danh vọng và tiền bạc ? Ta thử nghe anh thao thức : “ Nhón tay góp nhặt thời gian/ cố quên để nhớ...mang mang tình người/ khi vui dốc cạn chén đời/ khi buồn vay tạm một thời để yêu” (Góp nhặt thời gian). Có lẽ đó là những câu thơ hay nhất, ý vị nhất của anh, và “vận” vào tâm trạng, tâm tình, tâm tính của anh thì không khác biệt mấy chăng ?

Đọc Giữa lòng sông chảy , bạn đọc dễ cảm nhận nhiều tâm sự, dằn vặt, âu lo, toan tính rất đời thường, một đời sống có phần nặng nhọc và chu đáo; những câu chuyện cảm động và mau nước mắt; những đề tài quen thuộc nhưng âu yếm- đó là mẹ, những vùng đất tác giả đã đi qua để lại nhiều dấu vết và kỷ niệm, những thảng thốt yêu thương với trời đất, thời tiết buổi giao mùa, ngẩn ngơ cỏ cây hoa lá; những trăn trở gắn bó với nghề nghiệp...Bởi vậy, nhan đề các bài thơ của Ngô Phú Thiện cũng thật giản đơn, mộc mạc: ước, mẹ, nhở, phượng xưa ,lạnh, trầm mặc Hội An, với Huế, đêm phố núi, đời và thơ, giếng cạn... Và thơ thật dạt dào cảm xúc : “Tiếng chim gõ vào buổi sớm/ giật mình năm mới dọn sang/ ngoảnh lại phía bờ em thăm thẳm/ sao nghe ta vướng hơi ấm nồng nàn/ dọn dẹp vui buồn quá khứ/ đóng đinh mình lên vách thời gian/ treo tấm lịch đời chỉ còn một nửa/ để mai vàng ươm nắng miên man” ( xuân muộn).

Ngô Phú Thiện có giọng thơ lục bát khá đầy, không phải riết róng, phóng khoáng, tân kỳ, nhưng ý tứ sắc sảo, khêu gợi, mang tính “cổ điển”. “không đài các chẳng kiêu sa/ nồng nàn chút vị phong ba dãi dầu/ phận hèn thân cỏ loài rau/ hồn trong nở đến bạc đầu vẫn trong” (Mùa hoa cải). Hay “chân mòn lòng mẹ chẳng mòn/ ngọn đèn chong sưởi tâm hồn mồ côi/ áo cơm nợ với cuộc đời/ trong con nợ một khoảng trời nhớ thương” (Dòng sông của mẹ). Tâm sự ngổn ngang, nỗi khổ của mẹ, nỗi đau của quê: “đêm bừng tỉnh thấy ngày vỡ vụn/ cửa nhà đâu giữa đám hoang tàn/ lão nông dân dành một đời lam lũ/ để giờ ngồi vuôts mặt thở than” (Viết trong bão),  luôn quyện nhau trong các câu thơ, bài thơ của anh; nó lồ lọ ra, chường ường ra ở đấy, thật khó phân định tốt xấu, hay dở. “ cõi phù sinh còn lắm bon chen/ mấy ai biết vẫn những nàngTô Thị/ lặng lẽ sống trong vô vàn nghịch lý/ mà tâm hòn đâu dễ giá băng !” (Những nàng Tô Thị).

Thơ tự do, kiểu giống văn xuôi, rồi thơ viết về địa danh như không phải là thế mạnh của Ngô Phú Thiện. Dạng này anh không đóng góp gì nhiều cho cấu trúc, nhịp điệp thơ, hoặc những chi tiết, hình ảnh thơ mới mẻ, gây “sốc”. Tuy vậy, anh cũng có những cảm nhận rất riêng khi viết về Hà Nội. “ Chợt phố cựa mình/ đêm trở gió/ tiếng gươm khua dậy sóng mặt hồ/  trang sử nghìn năm dát vàng Bút Tháp/ tháng tư về...thành Hà Nội nôn nao/ hối hả phố phường giăng kín bóng nê-ông/ còn ngọn đuốc/ dõi đường về Võ Miếu/ đã rực cháy trong đêm Hoàng Diệu/ thảo huyết thư/ sống chết nguyện theo thành” (Đêm Hà thành tháng tư).

Có thể so sánh là khập khiểng, vì sự đa dạng, phong phú vốn có của đời sống là sự sai biệt, khác lạ; hoặc sở thích, đam mê một phong cách nào đó là quyền của mỗi người, không nên “rước” vào trong bài viết này. Nhưng tôi vẫn ngớ ra và yêu mến xứ đất Tam Kỳ có thơ của Nguyễn Tấn Sĩ hóm hỉnh, trào lộng và đầy biền ngẫu, với những câu thơ hay , chẳng hạn : “đâu riêng biển và trời xanh đến thế/ đâu riêng anh trống giục bởi thu vàng/hoa cúc đã nở rồi vì không thể/ để đêm rằm uống cạn chén thu tân/ anh ẩn nhẫn thắp cho mình đốm lửa/  thắp cho em chấm lửng những sao trời/ đèn kéo quân giục mờ thu qua cửa/ em bắt đầu làm nguyệt kẻo thu rơi”(Mùa thu qua cửa). Bài thơ gợi trí tưởng tượng phong phú, sinh động, những câu thơ có chất giọng mới mẻ, phóng khoáng. Hoặc thơ của Nguyễn Tấn Cả có chất phong lưu, khinh bạt và rắn rỏi : “Tôi vẫy khăn lên gương mặt trời chiều/ nghe xơ xác những tầng mây xốp/ nghe bình vôi vật vờ bụi rậm/ chiếc lu sành ú ớ gọi mưa/ tôi vẫy khăn lên trán/ nghe mẩu than thao thức trong bếp/ đỏ hừng hực bài ca lửa nồng/ tôi vẫy khăn lên mắt/ nghe nước ào ạt chảy/ qua thác ghềnh sông suối.../ và là nước mắt ở trong tôi”( Chiếc khăn tay). Thơ Cả tạo ra bất ngờ trong nếp nghĩ bạn đọc, gây hứng thú và quyến rũ.

Xuyên suốt tập thơ Giữa lòng sông chảy , tiết tấu thơ của Ngô Phú Thiện dường như chậm chạp quá, những chữ thơ chảy chậm, mà bước chân của đời sống, của thời đại thì đang gấp gáp, nhanh dần lên. Tôi  suy nghĩ rằng, những nhận định, đúc kết kinh nghiệm xác đáng như thế này về thơ : “ Tôi dùng các thể thơ rất khác nhau; đều nhịp, hay gần như thế, câu không vần nhưng hợp vần khi gặp dịp, thơ tự do, những đoạn giống như văn xuôi có nhịp điệu. Tôi thích sự tự nhiên hơn cả, không bao giờ định trước dùng thể gì. Tôi để mặc bài thơ chọn lấy thể thơ” (J. Supervielle) chưa thẩm thấu vào hòn thơ của Ngô Phú Thiện, nếu không muốn nói là còn xa lạ với anh. Thơ Ngô Phú Thiện còn nặng cảm tính, ít có tính khai phá , cách tân về ngôn từ, thể loại, cấu trúc, tứ thơ chắc nhưng còn hơi hướng cũ. Tôi có cảm nhận anh chưa dám “bức bách” nhịp thơ, tư tưởng đến vực thẳm để thơ quẫy đạp, phiêu lưu vào một nơi chốn mới mẻ. Bài thơ của anh tròn trịa quá, ngôn ngữ sáng tỏ quá, chưa kín đáo, mơ hồ, huyễn hoặc, mà theo thiển ý tôi, đó là bản chất, bản tính, vẻ đẹp của thơ vậy

Dẫu sao, những nhận định trên đây cũng mang tính chủ quan, riêng biệt; còn tập thơ Giữa lòng sông chảy  , với tính nhân văn, và đa sắc đa thanh của : tự sự ngày xuân,vầng trăng và giáo án,trước nguyên tiêu, ru hòn viên sỏi,, mùa sen... hy vọng sẽ tạo ấn tượng tốt đẹp cho độc giả. Thiết nghĩ làm đưuowcj những câu thơ sau há cũng vô cùng hạnh phúc : “Ngày xuống chậm / phố bận lòng nhóm lửa/ tiếng xuân đi rạo rực bước chân người/ không hối hả không phấn son bầy biện/tựa vào chiều một sắc hoa tươi” (Trước nguyên tiêu). Để kết thúc bài viết, xin gửi vài lời cuối như một tri âm.
Tương tác giữa tác giả và độc giả/Dẫu tôi viết bằng ngôn ngữ giản dị của thi ca/Hoặc dạt dào cảm xúc của tản văn, lý trí và khô đặc của phê bình/Tất thảy những sản phẩm ấy/Cũng là giọng nói của tôi cất lên từ đam mê, khát vọng, khổ đau và nỗi sợ hãi/Chẳng biết bạn sẽ đọc những con chữ của tôi dưới ánh sánh vĩ đại nào/Nếp nhăn vầng trán của bạn có co dãn theo trí tưởng tượng mông lung/Hoặc bạn vứt các con chữ ở một xó xỉnh, trong sọt rác/Bạn nghĩ những điều kia không phải sự thật, điều nọ là hư cấu, điều ấy là phàm phu tục tử/Quyền lựa chọn viết, quyền lựa chọn đọc của chúng ta/Đôi khi mơ hồ, huyễn hoặc hoặc chân lý cụ thể/Là cái đẹp, sự ưu ái của tạo hóa/Vì cái riêng và cái chung/Vì sự khác biệt những con sóng trên đại dương/Sự kết hợp hoặc chia ly/Nỗi sợ hãi và lòng dũng cảm nhìn cái chết/Gớm ghiếc, sự thật hoặc thân thiết như ông bà cha mẹ chúng ta nằm ngủ/Những con chữ trườn mình qua vực thẳm, đôi mắt bạn ngôi sao treo trên đỉnh núi/Chẳng có khế ước nào giữa cây xanh và ánh sáng/Bão chữ, những mái nhà xiêu vẹo, cột cao thế gãy nhào, nỗi hoảng sợ về những điều mới mẻ/Tình yêu giữa chúng ta với thi ca là có thật/Như giữa chúng ta và thi ca có thật nỗi sợ hãi và cái chết.

Bài viết của Huỳnh Minh Tâm
GV trường THPT Huỳnh NGọc Huệ, Đại Lộc, Quảng Nam.

ĐT 0510 3865898

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét