Thứ Bảy, 27 tháng 2, 2016

ĐỌC “ PHIÊN KHÚC SANG MÙA”

ĐỌC “ PHIÊN KHÚC SANG MÙA”

( Phiên khúc sang mùa, tập thơ của Mai Hữu Phước, Nxb Văn Học 2012)

Phiên khúc sang mùa là tập thơ đa cảm, đa sắc về tình yêu lứa đôi. Có cảm giác, nỗi rung động miên man vô bờ bến của tác giả dường như ở một tầng cao, tính lãng mạn đầy ắp, rất xa cuộc sống hiện đại phức tạp, nhộn nhịp và đầy bất trắc. Chính vậy mà
tác giả đã quí tặng tình nhân và độc giả những câu thơ ngọt ngào, âu yếm, giàu yêu thương và lòng trắc ẩn. Hơi thở của tập thơ, tựu trung, tựa hơi thở của đồng quê, đến mùa trăng mùa hạt những đôi trai gái hẹn hò, gặp gỡ trao duyên, gần gụi; và ta được tắm trong không gian ấm áp, trong lành

                   “ Em nói hồn nhiên trong giấc mơ
                   Mắt tròn tinh nghịch nét ngây thơ
                   Anh gom nắng nhạt làm tơ lụa
                   Để tặng riêng em buổi hẹn hò”
                                         ( Phiên khúc sang mùa)

Đọc Phiên khúc sang mùa, độc giả dễ chìm đắm trong khu vườn ấu thơ vô thời gian, hoặc là dễ lẫn lộn thời gian giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Bởi vì tình yêu trong trẻo, trong trắng như trang vở học trò của trái tim tác giả tập thơ mang lại đã đánh thức chúng ta về một đời sống miên viễn, một hạnh phúc miên viễn. Thi tứ giản dị, cổ điển của các bài thơ cho ta cảm giác an bình, thảnh thơi về cuộc sống và niềm hy vọng luôn dâng trào : “Nắng vô tư/ Bình minh tóc em/ Anh chẳng vô tư/ Khi nhìn thấy tóc/ Mưa hồn nhiên/ Ướt mềm áo em/ Anh chẳng hồn nhiên/ Khi nhìn thấy áo/ Anh xin một lần/ Làm nắng làm mưa/ Để vô tư/ Để hồn nhiên/ Trên tóc và trên áo” ( Vô tư hồn nhiên)

Ở phiên khúc sang mùa, độc giả cũng còn bắt gặp rất nhiều tín hiệu nguyên sơ, những lát cắt nào đó đỏ hồng như dưa hấu mùa hè, đêm lại lòng ta những thảng thốt về sự chân thực, nét đẹp các cánh hoa mỏng manh, một cánh chuồn gấp gãy, một chiều thu dịu dàng, man mác : “ Con đường xưa hoa dại bỏ đi đâu/ Đôi bướm đẹp chập chờn trong tiềm thức/ Và tóc em thơm một ngày rất thực/ Mộng mơ theo gió qua cầu !/ Anh một mình không dám bước mau/ Trên phiến thời gian thẫn thờ đá cuội” ( Trên phiến thời gian).

Tình yêu trong Phiên khúc sang mùa  nghe ra, dường như là điểm tựa của đời sống nhà thơ, cũng là đề tài xuyên suốt rất mực trong tập. Đó là tình yêu của mùa xuân hòa trộn với thi ảnh em cũng rất mực dịu dàng, quyến rũ : “  Nắng trải xuân vàng khắp núi sông/ ý xuân nao nức giục trong lòng/ Mưa xuân đan nhẹ trên bờ tóc/ Em chút mơ màng tiễn gió đông/ Em bước bên xuân rất dịu dàng/ cánh mềm én lượn chở mùa sang” ( Dịu dàng xuân). Đó là tình yêu, tính nhân văn về những người mẹ có con chết trong chiến trận : “ Những bà mẹ có con chết trong chiến trận/ Bây giờ đã quá già nua/  Đau nỗi đau nào cũng nỗi đau người mẹ/ Dẫu các con ở hai phía chiến hào” ( Nỗi đau người mẹ). Đó là tình yêu thiên thu, nồng nàn, khốc liệt và mãnh liệt : “  Em chôn anh trong tim/ Để tình quên dĩ vãng/ Anh chôn em trong tim/ Để phôi pha năm tháng/ Nhưng em ơi, em ơi/ Ta đã đào lộn huyệt/ Chôn nhau trong tim côi/ Tình đầu không thể chết !” ( Tình đầu ). Đó là tình yêu của thử thách cách trở, bịn rịn, đớn đau : “ Bão giông đời nghiệt ngã/ Cách ngăn hai phương trời/ Hồn như là cỏ úa/ Trong nỗi buồn năm nao” (  Bên mưa chiều Cali).  Đó là tình yêu của sự trống vắng, của những tưởng tượng và sự thăng hoa : “ Anh ngồi nghe em hát/ Chơi vơi cung điệu buồn/ Mười ngón tay tha thiết/ Nỗi lòng giọt giọt buông/ Rồi nơi ấy không em/ Như thu buồn lá rụng” ( nếu nơi ấy không em). Đó là tình yêu baat5s chợt, lãng mạn, hòa trộn không khí thơ ca của hoa, nắng, bướm : “  Ngơ ngẩn màu hoa dã quỳ vàng/ Nắng chiều vàng rợp cả không gian/ Em qua áo cũng vàng xao xuyến/ Tôi đứng chôn chân đến võ vàng !” ( Màu dã quỳ).

Dường như tình yêu đã mở ra một kho báu vô tận, một khúc ca khải hoàn về tự do, hạnh phúc và khát vọng, mà Mai Hữu Phước đã “ ngộ” ra, đã chạm vào, và mạch nguồn ấy đã cho anh cảm hứng sáng tạo, ký thác những niềm tâm sự bằng ngôn ngữ thơ ca ngọt ngào, lai rai mơ mộng : “Nhớ em lòng anh đang bâng khuâng/ Ngoài kia mưa gió cũng nguôi dần/ Gió mưa hôm trước, hôm sau tạnh/ Chỉ có riêng lòng mãi xốn xang” ( Gởi nhớ vào đêm).

Đọc Phiên khúc sang mùa, độc giả có thể không bắt gặp những ngôn ngữ thơ huyền ảo, những tứ thơ kín đáo,hiện đại, những câu thơ trào lộng, hóm hỉnh, phóng túng, hoặc tiếng loãng xoãng, chan chát của đời sống thường ngày đi vào trang thơ, nhưng như nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã viết giới thiệu : “ Tôi dừng lại trên trang thơ Mai Hữu Phước, và thấy không khí chung quanh tôi bỗng cũ đi một cách dễ chịu. Tôi thấy hiện lên nơi xa  hút một đồi trăng sương rơi nhẫn cỏ, một khu vườn đầy hoa bướm tuổi thơ…”

50 bài trong tập là con số đẹp, tròn trĩnh, với sự in ấn đẹp, tao nhã  rất ấn tượng, tôn tạo thêm vẻ đẹp, trang nhã của thi ca trong con mắt độc giả. Hy vọng tập thơ của Mai Hữu Phước đến tâm hồn bạn trong những nhịp điệu mới mẻ, tưởng bài thơ hay nhất của anh vẫn còn lấp lánh đâu đó, như là :

                   “ Vô duyên tôi thấy người ta
                   Tay đôi nhẫn cưới không là của tôi
                   Thương chùm hoa dại mồ côi
                   Xác xơ nhẫn cỏ bên đồi năm xưa…”
                                                    ( Vô duyên)
 Nếu không phải thơ của anh thì thơ của ai đây chứ ? Tôi mơ thấy anh đang mỉm cười trên những con đường đầy hoa bướm và tình yêu.

                   Bài viết của Huỳnh Minh Tâm
                      GV trường THPT Huỳnh Ngọc Huệ, Đại Lộc, Quảng Nam
                       ĐT 0122 306 8721


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét