Thứ Ba, 2 tháng 2, 2016

ĐỌC VĨ THANH HOA

Bài viết của Huỳnh Minh Tâm
GV trường THPT Huỳnh Ngọc Huệ, Đại Lộc, Quảng Nam
ĐT 0510 3865898
tamdailoc@gmail.com 
(Nhân đọc tập tản văn Vĩ thanh hoa của Phan Chín, nxb Thanh niên 2010)
                                                Bài viết đã lâu, như một kỉ niệm


Tiếp nhận, xem xét, đánh giá một tác phẩm văn xuôi, một tản văn như "Vĩ thanh hoa"  của nhà văn Phan Chín, theo thiển ý của tôi, như đón nhận một con người với mênh mông những tư duy phức tạp và sinh động, đầy đủ các cung bậc vui buồn, hờn giận, sâu sắc các sắc thái tình cảm lay lắc, đa đoan. Cho dẫu những tản văn của Nhà văn Phan Chín không dài, việc khai triển các ý tưởng cũng không quanh co, rắc rối cho lắm, chỉ rặt là cái tôi khao khát cái đẹp và hướng thiện bị dằn co dằn vặt trước những hiện thực của đời sống tốt có, xấu có, kỷ niệm đẹp bị đánh mất trước dòng chảy thời gian như muối xát...Những câu chuyện ấy có lẽ ai cũng biết, cũng đã từng trải, cũng giáp mặt hằng ngày, cũng đã có những xúc cảm này nọ tương tự..., nhưng viết ra bằng thứ ngôn ngữ óng mượt, dịu dàng, cách dẫn dắt câu chuyện tinh tế , và đượm màu sắc “duy tình” như thế hẳn một sức sáng tạo đáng nể, và văn phải có tay nghề vậy.

Đọc vĩ thanh hoa , “bập” vào các vấn đề, ta bắt gặp một lô một lốc các sự kiện, các tiểu tiết lai rai của cuộc sống nhưng khá gay cấn, trái khoáy giưã cái hiện thưc đan xen quá khứ, cái tốt đan xen cái xấu, cái sự thật sờ sờ đan xen cái huyền ảo tưởng tượng. Để lần ra, nắm bắt chủ ý của tác giả không khó khăn lắm, tuy nhiên gợi lòng ta mang mang bao điều rất khó giải thích. Với những cảm nhận ban đầu như vậy, nên khi đọc vĩ thanh hoa, mặc dầu đôi ba bài tôi đã đọc vài lần trên các báo và tạp chí, tôi vẫn phải đọc chậm, nghiền ngẫm, đọc để “vỡ” ra những kiến giải khác, đọc để yêu văn chương và cuộc sống, đọc và viết, đọc và chấp nhận một lộ trình để tri âm với tác giả.

Vĩ thanh hoa là đọan kết của cái đẹp chăng ? cái đẹp sao có đoạn kết, cái đẹp là cái vĩnh cửu biền biệt. Vĩ thanh hoa là khúc ca cuối cùng của hoa, là sự rơi rụng của các cánh hoa, là sự phai nhạt của hương vị chăng ? sao lại thế được, vì cái “cũ” phải mất đi thì cái “mới’ mới được sinh ra chứ, ban đêm mất đi mới xuất hiện ban ngày, bóng tối mất đi mới xuất hiện ánh sáng. Tôi đã đặt ra bao điều để lý giải, để “mở mang” cái tư duy hạn hẹp của mình, và tôi cũng đã đọc tản văn của Phan Chín để ngẩn ngơ. “những chậu cúc quê mùa vẫn hồn nhiên thả hương vào rét xuân ngai ngái. Một vĩ thanh ngọt ngào của hoa rồi sẽ lan vào thẳm sâu đêm trừ tịch. Nhưng khi hương đã tỏa đi, rất có thể hoa chợt se lòng!...Hoa có vĩ thanh riêng, dành cho đồng loại và cho con người.Nhưng dường như chút vĩ thanh huyền diệu ấy, không phải ai cũng nghe thấy!...” (Vĩ thanh hoa). Dường như trong vĩ thanh hoa , nhà văn Phan Chín đã “đượm” và “chín” một chất giọng. Cái chất mang mang trời đất, cái mơ mộng ảo huyền, cái thương nhớ mông lung, như khi ta đang ngắm những bức tranh sơn thủy trong trầm tư ân ái. “ Mỗi dòng sông có một triết lý riêng của mình. Sông Thu Bồn cũng vậyTriết lý của nó là sự giao hòa của sóng nước, bãi bờ, núi non; của một con đò, của mỗi mái chèo và của mỗi con người. Với triết lý ấy, Thu bồn đã giữ được vẻ đẹp hiền hòa, xanh thẳm của mình. Để rồi, qua bao nhiêu phong ba sóng gió, Thu Bồn vẫn là dải lụa mềm, vắt từ điệp trùng Trường Sơn qua đồng bằng châu thổ và ra tới biển...” ( Giữa xanh thẳm Thu Bồn).

Trước khi ra mắt bạn đọc tâp tản văn vĩ thanh hoa, thì Phan Chín cũng đã có hai tập thơ. Tập đầu tay quê nhà cô Tấm, Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Nam 2003, thơ viết cho thiếu nhi, và tập thơ mùa đã thu, NXB Văn học 2007. Và tôi cũng đã có bài giới thiệu hai tập thơ này. Thật ra thơ của Phan Chín không có nhiều ý tưởng mới mẻ cho lắm, cá tính trong thơ anh chưa bạo liệt và mạnh mẽ như một số nhà thơ khác ở Quảng Nam, cách thể hiện ngôn ngữ còn “chậm” so với tốc độ đổi mới của thơ thời đại. Nhưng trong tản văn này, dường như có điều kiện, hay là “ vùng đất tốt” để anh tung hoành ngang đọc các ý tưởng, biến những câu chuyện đơn sắc, ngẫu nhiên thành những câu chuyện đa thanh và khái quát, cái vụn vặt thành sự kiện., như “cúp điện, điện thoại di động,viết thư, vịt mở cửa lồng, ếch”. Rồi có những tản văn anh viết tưng tửng, hí hoáy nhưng làm ta giật thót mình về chiều sâu văn hóa, về kí ức không chỉ là giấc mơ mà còn là “nền tảng”, hoặc “bóng râm” của cuộc sống, chẳng hạn như : “ góc chợ quê, nhớ nắng,một thoáng Mỹ Sơn, Tam Kỳ hẻm, Kiều ơi”. Rồi ta gặp những bức tranh đẹp và sống động sinh sôi, những đọan văn bềnh bồng như mây trôi, như nước chảy, như sương bay, như : “ phố núi,ký ức trăng rằm, nghe mưa, hoa cải cuối giêng, về đồng câu cá rô đồng”. Ta thử độc một đoạn văn trong “ Phố núi”. “ Bằng sự đột hiện sau những nhấp nhô dốc ấy, các thị tứ, thị trấn trên đường Hò Chí Minh ngay từ đầu đã tạo nên cho người qua đường một cảm giác thích thú. Thích thú vì phố hiện ra trước mắt bất ngờ như có phép màu. Thích thú vì phố hiện ra trong mắt không theo bề ngang mà theo bề rộng, bao quát từ trên cao. Thích thú vì có khi phố mờ ảo trong sương, có khi lấp loáng trong nắng trường Sơn hoang dã...Phần tôi, ngoài việc bị sương núi mê hoặc, không ít lần còn cảm thấy nôn nao khi từ trên cao nhìn xuống, thấy con đường dẫn mình vào phố núi rực một màu vàng của hoa dây lang rừng hay tim tím của hoa ca-ry kết chùm chạy dài tăm tắp”. Rồi có lúc tôi ngẫm nghĩ đi, ngẫm nghĩ lại, và tự hỏi, thắc mắc, thắc tai. Sao Phan Chín lại “hiền lành chân thực” thế nhỉ. Với tôi, tên tập sẽ là “ Vĩ thanh hoa, tản văn-thơ”, hoặc “cộc lốc” : “vĩ thanh hoa, thơ” cũng chẳng có ai “ kiện cáo”, bắt bẻ gì cả. Điều ấy để nói lên rằng, Vĩ thanh hoa, tản văn đầy chát thơ, cái quyến rũ của ngôn từ và hình ảnh, cái quay quắt kỳ dị nhớ thương thương nhớ những kỷ niệm, ký ức quê nhà và tình yêu, cái bất ngờ léo lắt léo dọc léo ngang rất nhiều thú vị của các ý tưởng, như ở các bài “ Ăn hoa, Đừng dợi cười mới chụp, Nghĩ từ phía con đò, Khúc lãng du sông nước...”. Chắc chẳng khó khăn gì, bạn đọc nhận ra tư duy về thơ ca, thi pháp thơ ca đã là chiếc chìa khóa, động lực và nền móng để cho tản văn Phan Chín cất cánh và bay xa.

Rất nhiều điều tốt đẹp và trên những hy vọng, hứa hẹn này nọ mô tê gì đó thường thấy trên các bài viết như tôi thế này. Dẫu rằng cũng có đôi bài viết của anh vội vàng, lý giải vấn đề rất nhiều cảm tính và ngắn gọn, ít chữ, hàm súc quá mức cần thiết. Dẫu rằng, tôi cũng biết, thời đại bây giờ mà viết dài thườn thượt, viết mông lung quá chừng luận chứng, thì bạn đọc cũng chẳng ưa thích gì. Nhưng, lại là dẫu rằng dẫu vậy dẫu sao, dài dài chút đỉnh cũng phô diễn đầy đủ hơn cái tầm nhìn sắc bén, thấu đáo của tác giả, cũng như khái quát hơn, hoặc có cái nhìn “ chính trực” hơn về những lệch lạc, u ám các lĩnh vực phức tạp của đời sông đang thay đổi chóng mặt chóng tai. Dẫu sao, đọc “vĩ thanh hoa mang lại rất nhiều sự thích thú cho tôi, và là một trong số rất ít những tác phẩm làm tôi thích thú những năm gần đây. Với thiển ấy này, xin chúc mừng sự thành công của nhà văn Phan Chín.

Bài viết của Huỳnh Minh Tâm
GV trường THPT Huỳnh Ngọc Huệ, Đại Lộc, Quảng Nam
SĐT: 0510 3865898
tamdailoc@gmail.com 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét