Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2016

MÀU RÊU LỤC BÁT- THÂN PHẬN VÀ TÌNH YÊU

MÀU RÊU LỤC BÁT- THÂN PHẬN VÀ TÌNH YÊU

( Đọc tập thơ  Màu rêu lục bát  của nguyễn Tấn Sĩ, NXB Đà Nẵng 2011)

Màu rêu lục bát phải chăng là giai điệu rêu phong cổ kính của tâm hồn, và tâm hồn hướng về cái đẹp cũ kỹ mê ly, về những con đường cũ xưa, những con đường tình nhân đa mang dần phôi pha theo thời gian nghiệt ngã ? Thì tôi suy tưởng mông lung như vậy, bởi tôi đọc những câu thơ mà Nguyễn Tấn Sĩ đã dẫn dụ bạn đọc, như : “ đã xanh rêu những phố phường/ nghe mùa hạ chết vô thường hơi thu/ là em làm cuộc sa mù/ anh ngồi nhặt xác phù du dỡ buồn/ chi còn lại những hồi chuông/ ám quanh câu chú trần truồng thành thơ/màu rêu lục bát nguyên sơ/ mỗi đêm nguyệt rụng là phờ phạc thu”( Màu rêu lục bát). “màu rêu lục bát phù vân/ dắt thơ qua cõi dương trần để rơi”( Ai đưa lục bát).

Không chỉ có mấy câu thơ ấy đâu. Đọc Màu rêu lục bát, dường như bàng bạc, miên man ngôn ngữ thơ của Nguyễn Tấn Sĩ là nỗi trằn trọc, trăn trở, tiếc thương, ngậm ngùi về thân phận và tình yêu. Như một sự gặp gỡ bất ngờ chủ đề xuyên suốt các nhạc phẩm của nhạc sĩ thiên tài bất định Trịnh Công Sơn, nhưng ngôn ngữ thơ ca thường u trầm hơn, kín đáo hơn, không hoan hỉ, minh bạch như ngôn ngữ âm nhạc. “ yêu người như thể hạt sương/ tay che mắt nhớ mười phương tình mù/ yêu người như thể thiên thu/ trong tim gom hết ngục tù thế nhân/ yêu người tình ngỡ như gần/ mà tay khêu ngọn lửa tàn đợi chi/ yêu người như dại như si/ trong tim vừa có chút gì đớn đau” ( Như thể thiên thu)

Từ tập thơ Lời hát khẽ(2003), cho đến tập thơ mới này, càng khẳng định, tác giả là nhà thơ già dặn, tay bút sắc sảo của vùng đất Quảng Nam.  Cái tính hóm hỉnh, bông phèn đớn đau của thơ anh ngày càng đậm đặc. Có gì đó u ẩn, khúc mắc, cô đơn thân phận sau những cười đùa hớn hở, một gương mặt “ tật nguyền” bên trong lớp da. “ ai đưa câu bát sang sông/ để cho câu lục khóc ròng ngày xuân/ nhớ ở xa đau ở gần/mới giêng hai đã như tàn cuộc chơi/ nhỡ tay cuộn chỉ rối bời/ một người ngồi gỡ một đời không ra/ ai đưa câu hát đi xa/ vầng trăng thưở ấy hết già rồi non/ mà người nào mãi còn son/ câu thơ như đã ru mòn lời ru” (Ai đưa lục bát...)

Với những đề từ trong tập màu rêu lục bát như : ngẫu hứng tò he, ngựa ô, rơi và tìm, nhật nguyệt trên vai, Khi bầy phượng vĩ đã xa, biết là nơi đâu..., bạn đọc cũng phần nào nhận diện các cung bậc âm thanh day dứt của nhà thơ. Thân phận của nhà thơ gắn bó mật thiết với tình yêu và thời gian, hoặc có thể nói rằng, tình yêu, thời gian và thân phận đã hòa trộn máu thịt trong tâm hồn thi nhân. “ vẫn còn một nhánh sông quê/ vẫn còn một chỗ đi về lênh đênh/ còn bao kẻ nhớ người quên/còn trên mặt nước sóng duềnh gọi mưa/ mênh mông đồng trống gió lùa/ tháng năm thơ ấu như vừa đi qua/ nghe sông ru đủ bốn mùa/ ru tôi không ngủ ngày chưa muốn chiều” ( Lắng nghe sông gọi).

Riêng tình yêu trong thơ Nguyễn Tấn Sĩ cũng có nhiều cung bậc, nhiều sắc thái. Tình yêu trai gái đan xen bao hình ảnh quê hương, kỷ niệm và tuổi thơ. Tình yêu bị thời gian đánh cắp, bao vui buồn hân hoan, bao giọt lệ trong trẻo. “Đừng rung lục lạc đồng đen/người còn ở lại thân quen chốn này/đừng men rượu ủ cơn say/và đừng bảo trái tim này đang yêu tàn đông ngọn gió quàng xiêu/ mùa xuân phía trước có nhiều nỗi đau/ mà chi một mối tình đầu/ai nuối giữ mối tình sau mịt mờ” ( Đừng rung lục lạc).

Tựu trung, màu rêu lục bát của Nguyễn Tấn Sĩ đã góp một chất giọng lục bát hóm hỉnh, tinh tế rất riêng của anh cho nền lục bát dân tộc; và với chủ đề xuyên suốt thân phận và tình yêu, tập thơ đã ám ảnh bạn đọc về cảm giác cô đơn, mong manh, bất định. Nếu tiếc điều gì ấy ở tập thơ, có lẽ là thơ anh quá chỉn chu về vần điệu, cách diễn đạt mênh mang quá, làm bài thơ không gọn, sắc, ít từ mới, giai điệu mới, và nhất là hơi thở bài thơ chưa “ hiện đại”. Nhưng thành công của tập thơ thì lớn hơn rất nhiều điều vụn vặt trên. Hy vọng bạn đọc sẽ tri âm với những câu thơ hay của anh. “con đường cát lấm bụi quê/ dẫn ta về cõi không về nữa đâu/ hoa thầu đâu cuộc bể dâu/tím mơ hồ tím như màu thời gian/ sông bận bịu nước mênh mang/ mới xuân sang đã xuân sang còn gì/ con đường dẫn độ người đi/ tình non chưa nói năng chi đã già” ( cát bụi con đường).

Bài viết của Huỳnh Minh Tâm
GV trường THPT Huỳnh Ngọc Huệ Đại Lộc


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét