Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2019

Lên Facebook


GV trường THPT Huỳnh Ngọc Huệ, Đại Lộc, Quảng Nam
ĐT 0122 306 8721


Lên Facebook


Dường có điều không thực, mơ hồ
Trong cuộc sống chúng ta
Cả cái chết

Ngôn từ bịn rịn từ giấc mơ
Chảy qua lỗ thủng của bóng tối
Những hình ảnh huyễn hoặc phù sinh
Cơn mộng du ban ngày

Yêu và không yêu từ khúc
Đi và chạy gắn với công việc vô bổ
Fcb và Fcb
Cm, cm, l

Những gương mặt đầy son phấn, cách làm dáng
Nụ cười mãn nguyện về chức vụ
Chiếc áo rơi vãi đầy cúc
Ly cà phê đen trên mặt bàn

Cả cái chết cũng được sắp xếp cẩn thận
Lời chia buồn tôi chưa viết được điều này
Cửa sinh cửa tử
Cũng chỉ tên gọi khác
Sự hỗn độn chồng chéo
Của ngôn từ.

HMT
GIÓ ĐẦU SÔNG GIÓ CUỐI SÔNG

Bạn hãy biến những con chữ
Thành gió
Bởi cuộc đời sông thức
Chỉ gió mà thôi

Gió đầu bãi
Tuổi thơ đánh trận giả
Con dế nằm bờ cỏ
Chờ mẹ về gáy một hồi

Gió đầu sông hai mươi
Trăng ướt mềm trên ngực
Sóng khỏa giấc mơ hoa mởm
Mầm cây chúm chím

Gió mùa thu ngọn núi cao
Ù ù
Hơi lạnh tức lưng
Xanh trùng trùng mà cô tịch

Gió năm nào còn sót lại
Sau đó hơi nhang thức
Bờ tre sao gầy sao cao
Mặt đất sao thấp

Đuổi theo những con chữ
Chỉ rồng rắn gió bờ mây


Huỳnh Minh Tâm

Bức tranh thế giới qua trang giấy

Tôi nhìn bức tranh thế giới qua trang giấy
Chữ viết nguệch ngoạc của cha ông
Phân kỳ lịch sử Nam tiến thế kỷ thứ XV, có thể trước đó
Dòng máu di cư của loài sói hoang mạnh mẽ

Sự kỳ diệu của cuộc sống ở đâu
Đôi khi man rợ, đôi khi huyễn hoặc, đôi khi
Sự đú đởn với những cô nàng
Chúng ta sinh ra từ tinh dịch, bầu trứng, chứ không phải thổ âm sao ?

Lạ nhỉ, thế hình hài đây mang dấu tích ADN
Của sự đông cứng về cái miệng, bàn tay
Muốn hôn và xoa bóp
Hoặc những điều bí mật riêng tư, ví dụ làm thơ

Thế giới trộn lẫn vui nhộn hay chao đảo
Những làn sóng di cư những cuộc mưu sinh những miền đất hứa những hy vọng những thất vọng và cái chết
Đọc đoạn này của anh Hồ Trung Tú trong “ Có 500 năm như thế”-“ hình dung sự hình thành bản sắc Quảng Nam”*
Tôi mỉm cười

“ Vĩnh viễn chúng ta sẽ không thể biết điều gì thực sự xảy ra”
“ Họ đã biến đi đâu không một dấu vết để lại”
Còn chúng ta sẽ biến đi đâu
“ Dấu vết còn lại của cái biên giới”

Tôi đã cưa cắt ngắt ngọn không đúng
Giống cuộc sống thủng lỗ
Của cái lỗ thủng kỳ dị hiện ra mỗi đêm
Vật lí học gọi là lỗ đen

“ Giọng nói người Nam Quảng Nam hiện nay khó mà bảo là giống giọng nói người Thanh Hóa”
“ Có thể có  một số âm giống nhau đến bất ngờ thế nhưng sự khác nhau về ngữ điệu câu nói, điệu thức của âm”
Lịch sử không ghi dấu ấn tâm hồn ?
Một con sói nằm nghe trăng sòng sọc chảy trong huyết quản ?

Và những con sói cái nằm chờ bạn tình
Tiếng tru cô độc dài ngoẵng như dòng sông Thu Bồn mùa lũ
“ Tiếp thu hòa nhập hay tiếp biến”
Trong cuộc tồn lưu sông núi, tiếng gọi vĩnh cửu hư không

Có bức tranh màu hồng, có bức màu xám xịt
Trên nền phông đen hàng chữ trắng
“ Đó là cuộc va chạm giữa hai nền văn minh lớn”
“ Nẩy lửa. Họ luôn phải  khẳng định một điều gì đó”

“ Họ như cảm thấy thất bại và không tồn tại”
Dường niềm an ủi của nhà thơ
Là cái chết
Của xác chữ.

Huỳnh Minh Tâm
GV trường THPT Huỳnh Ngọc Huệ, Đại Lộc, Quảng Nam
ĐT 0122 306 8721
(* Có  500 năm như thế- Sách nghiên cứu lịch sử của Hồ Trung Tú, NXB Đà Nẵng 2012, đoạt giải thưởng Sách Hay 2012)
nước chảy xiết dưới gầm cầu


nước chảy xiết dưới gầm cầu
sao bây giờ ta mới nhìn thấy
không bịn rịn không âu lo
không trì hoãn nỗi sóng vỗ

đã qua bao thác ghềnh vực sâu
chảy xiết dưới gầm cầu vỡ giọng
giữa hai bờ trù mật cỏ lau
tiếng chân đêm chồn hoang tức ngực

nước chảy xiết dưới gầm cầu
bong ra từng từ ngữ rách rưới
ký ức từng mảnh lùa qua cồn bãi
chim qua sông nhớ mùa măng non

chảy qua quê hương ngày ớt đỏ
chảy qua con lạch cá rô quẫy
chảy dưới cơn mưa dừa rũ cánh
chảy cuối mùa đông nhớ bếp nhà

chảy như máu chảy trong da thịt
dáng mẹ đồng chiều mặc áo tơi
hoa lạnh trong vườn rơi từng cánh

chảy trong lòng ta mộng mị
nhớ một vầng trăng treo đỉnh núi.

Huỳnh Minh Tâm
GV trường THPT Huỳnh Ngọc Huệ, Đại Lộc, Quảng Nam
ĐT 0122 3068721







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét