Thứ Năm, 22 tháng 9, 2016

SỰ GIẢN DỊ KỲ VĨ CỦA GIỌT NƯỚC

SỰ GIẢN DỊ KỲ VĨ CỦA GIỌT NƯỚC


( Vài cảm nhận về bài thơ Giọt nước về thưa mẹ  của Nguyễn Minh Khiêm,
Trong tập thơ nhiều tác giả Thơ ơi, cùng chảy nhé , Nxb Lao Động 1/2012)

 Khi giới thiệu về tập thơ Thơ ơi, cùng chảy nhé, tôi có viết như thế
này: “ “ Con đã đi xa hơn nỗi lo của mẹ/ không quay về đúng chỗ mẹ
ngồi bấm đốt ngón tay/ con trượt ngã chỗ mẹ thường mất ngủ/ ngọn đèn

khuya tóc trắng sang ngày/ con cúi lạy chỗ mẹ chưa từng chợp mắt/ cửa
bể mở ra chỗ bục cửa mẹ ngồi/ những câu Kiều giấu bao nhiêu mảnh  vỡ/
giọt nước về thưa mẹ sóng trùng khơi” ( Giọt nước mắt về thưa mẹ-
Nguyễn  Minh Khiêm). Những bài thơ hay thường được bắt đầu từ những
điều giản dị mà cảm xúc chân thành. Các câu thơ trên tôi chọn là những
câu thơ ấn tượng nhất trong tập thơ “ Thơ ơi, cùng chảy nhé”, bởi nó
đã cho tôi một cảm xúc mãnh liệt, bền bỉ để tôi “ lèo lái con thuyền”
đi dạo, ngắm nghía các lạch ngầm, bến bãi của tập thơ nhiều màu sắc
huyền nhiệm.”

 Bây giờ, trong thời gian rảnh rỗi nhàn cư, có dịp đọc lại lai rai bài
thơ, tôi càng ngẫm ra bao điều huyền vi, linh động. Cái cơ sự của nhà
thơ Nguyễn Minh Khiêm muốn gửi gắm đến độc giả chúng ta là hình tượng
giọt nước mắt-mẹ. Mà giọt nước mắt-mẹ là âm tính, là nỗi dịu dàng
quyến rũ, là cội nguồn của tâm thể khai sinh

 Vào đầu bài thơ, tác giả đã khởi sự bằng một lẽ giản dị, chân thực,
thường tình của người con muốn khẳng định khẳng khái : đi xa- là vượt
qua cái mốc căn của con người nhỏ dại,  để chứng tỏ sự trưởng thành
khôn lớn, và nỗi lo của mẹ -là sự vĩnh hằng lưu thông của cái đẹp, cái
kỳ vĩ. Hai trạng thái đối lập nằm trong một tự thể. Những câu tiếp
theo là để khai triển nỗi biền biệt của ly tao. Không quay về đúng chỗ
mẹ ngồi bấm đốt ngón tay- nghĩa là mẹ tính toán tháng ngày diệu vợi xa
con; mẹ âu lo thấp thỏm vì con còn nhỏ dại nhỏ ngơ, bé bỏng làm sao,
muôn sự may rủi thế nào, mẹ làm sao lo được ! Hình ảnh ấy thật đẹp,
thật rạng rỡ, mê ly, đúng điệu. Dẫu vậy, tâm hồn tôi rộn ràng, thờ
thẫn ở chỗ : không quay về đúng chỗ mẹ ngồi bấm… Ôi, cái chỗ hư không
quanh quẩn cửa nhà dột nát, chỗ nào chẳng là chỗ mẹ, chỗ nào chẳng là
chỗ của quê xứ trong tiếng gọi thống thiết của vĩnh cửu ?

Rồi, Nguyễn Minh Khiêm lại dồn tụ một đôi thơ lai láng : Con trượt ngã
chỗ mẹ thường mất ngủ/ ngọn đèn khuya tóc trắng sang ngày, hết chỗ để
người viết bàn luận. Và tiếp khổ hai :Con đã lạc chỗ ngọn roi mẹ không
đụng tới/ chỗ những lời đắng đót mẹ chừa ra/Chỗ mẹ để con đứng ngoài
tâm bão/nghe giọt mưa thút thít phía sau nhà. Với những nhà thơ đã
viết hàng nghìn bài thơ, thiển nghĩ, việc dụng công : đắng đót/ thút
thít không khó. Dẫu vậy, dụng ở chỗ nào cho khỏi tính sáo mòn, để cho
nó đắc địa, khấp khởi như ở bài thơ này của Nguyễn Minh Khiêm thì
không dễ chút nào, với xiết bao nao núng âu lo. Tôi tưởng tượng, khi
viết những câu thơ này, tác giả như “ bị ám” vậy, hoặc “ bị điên”
chăng. Việc anh chọn các chi tiết : ngọn roi/ lời đắng đót/ mưa thút
thít – quay về những hình ảnh uyên nguyên, non dại, những chi tiết đã
nuôi dưỡng bài thơ lớn mạnh, bi tráng.

 Và : Con dừng lại chỗ mẹ không mong đợi/ chỗ ngày xưa mẹ tránh tiếng
thở dài/ bao nhiêu bã trầu đi vòng qua đó/ để nỗi buồn không chạm vào
ai.  Dường như tác giả đã hứng trọn đòn roi quăng quật của thi ca, là
nỗi buồn đau bất tận, tiếng thở dài u uẩn u linh, là nỗi cô đơn rợn
ngợp. Hình ảnh bã trầu đi vòng qua cái chỗ tránh tiếng thở dài kia, để
nỗi buồn không chạm vào ai nọ sao mà tinh tế, dịu dàng, mong manh,
giản dị làm sao, nhân ái làm sao !

 Cuối cùng, sau khi tự thể đã khốc liệt qua truông ải, qua cái phần “
kể lể phôi pha”, thì hình ảnh  con cúi lạy chỗ mẹ chưa từng chợp mắt/
cửa bể mở ra chỗ bục cửa mẹ ngồi,  sao mà nó lại tương hợp, dung
thông, toàn bích bài thơ đến thế. Khi  cúi lạy ,tức là ta đã quay về
bản thể, là nhìn thấy cái chỗ “ miên trường” của đời sống, mà nhà thơ
kỳ bí Bùi Giáng đã có lần viết : “ Bay về ổ chín tầng cao/ con chim
giã biệt quên chào mái hiên/nước lang thang chảy xa miền/vòng quanh
ngõ nọ mà triền miên chi” ( Mái hiên- BG). Hình ảnh mẹ ngồi mà xung
quanh bốn phía sóng vỗ trùng điệp mênh mông gợi một điểm tựa lung
linh, xao xuyến, kỳ vĩ. Và kết thúc : những câu Kiều giấu bao nhiêu
mảnh vỡ/ giọt nước về thưa mẹ sóng trùng khơi là kết tinh của nước mắt
và sáng tạo. Nguyễn Minh Khiêm đã ràng rịt cô Kiều diễm lệ, xửa xưa ,
rồi kéo lướt thướt qua một vùng trời lịch sử gay cấn để đáp xuống một
giọt sương thơ ấu.

 Tất thảy, tất thảy cái “công trình kiến trúc” Giọt nước mắt về thưa
mẹ  chon von nỗi niềm thương mến hiếu nghĩa giữa một biển trời xao
động của tiền bạc, danh vọng, thật là cao cả không bút lực nào tả
xiết. Bởi cái đẹp của bài thơ, nỗi xúc động vô bờ bến của người viết,
đôi khi, bài viết có chỗ quá rạng rỡ hoặc có chỗ quá tối tăm, thì cũng
xin độc giả lượng tình tha thứ.

         Bài viết của Huỳnh Minh Tâm
Gv trường THPT Huỳnh Ngọc Huệ, Đại Lộc, Quảng Nam


Giọt nước về thưa mẹ
    Nguyễn Minh Khiêm

 Con đã đi xa hơn nỗi lo của mẹ
 Không quay về đúng chỗ mẹ ngồi bấm đốt ngón tay
 Con trượt ngã chỗ mẹ thường mất ngủ
 Ngọn đèn khuya tóc trắng sang ngày

Con đã lạc chỗ ngọn roi mẹ không đụng tới
 Chỗ những lời đắng đót mẹ chừa ra
Chỗ mẹ để con đứng ngoài tâm bão
Nghe giọt mưa thút thít phía sau nhà

Con dừng lại chỗ mẹ không mong đợi
 Chỗ ngày xưa mẹ tránh tiếng thở dài
 Bao nhiêu bã trầu đi vòng qua đó
Để nỗi buồn không chạm vào ai

 Con cúi lạy chỗ mẹ chưa từng chợp mắt
 Cửa bể mở ra chỗ bục cửa mẹ ngồi
 Những câu Kiều giấu bao nhiêu mảnh vỡ
 Giọt nước về thưa mẹ sóng trùng khơi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét